Sáng 30-11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp mặt 294 đại biểu về Hà Nội dự Hội nghị biểu dương các mô hình học tập toàn quốc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Hội Khuyến học cần chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích để tích cực, tự nguyện, tự giác tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài; từ đó thu hút được sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để có thêm nhiều nguồn lực cho hoạt động.
GS. TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, Đại hội biểu dương 294 tấm gương học tập tiêu biểu ở các mô hình học tập trên toàn quốc là kết quả của quá trình dài 7 năm thực hiện đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020".
294 đại biểu tiêu biểu cho 4 mô hình học tập về dự Đại hội lần này là những tấm gương sáng đại diện cho gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị về tinh thần ham học, tự học, vượt khó vươn lên để có kết quả học tập tốt, nghiên cứu, vận dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, kinh doanh, vào công tác ở các cơ quan hoặc vào đổi mới phương pháp giảng dạy, chăm lo cho học sinh.
Điển hình là gia đình bà Lê Thị Ngọc Chi ở An Giang, từ người buôn bán nhỏ, mới học xong trung học phổ thông, bà theo học lớp tiếng Anh buổi tối rồi trở thành người dạy tiếng Anh cho học sinh và người lớn. Bà cũng theo học khóa "kỹ thuật viên vi tính" rồi mở phòng dạy vi tính tại nhà. Bà còn học thêm nghề sửa chữa điện thoại để nuôi 5 em tốt nghiệp đại học, các em còn lại đều học xong phổ thông trung học và có việc làm ổn định. Hay gia đình ông Mà A Khai và Vương Thị Xay ở tỉnh Lào Cai, ông Trần Đại Nghĩa ở Thái Bình tự học thành tài…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng tại những địa phương có phong trào xây dựng các mô hình học tập phát triển, người dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong học tập và đời sống, từ đó, tăng cường mối quan hệ thân thiện, gắn kết, giúp đỡ giữa mọi người và trong cộng đồng. Việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố và đơn vị học tập là động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới và khối phố văn minh, khu dân cư văn hóa.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả đạt được của các cấp Hội và phong trào khuyến học và biểu dương các tấm gương học tập tiêu biểu trên các lĩnh vực, trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, những người đang lao động, học tập, sinh sống ở trên khắp mọi miền tổ quốc, đặc biệt là những đại biểu xuất sắc.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian tới, để đưa đất nước vượt qua khó khăn, vững bước tiến vào giai đoạn phát triển mới, cần phải có những đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ được Đảng, Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu, là một động lực thúc đẩy và điều kiện cơ bản để bảo đảm thực hiện những mục tiêu kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bên cạnh việc nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực này, cũng cần chú trọng đẩy mạnh hơn nữa sự học tập trong nhân dân bằng việc tiếp tục xây dựng các mô hình học tập với chất lượng cao hơn; tuyên truyền, động viên, khuyến khích mọi người dân, mọi gia đình, dòng họ, các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia học tập suốt đời, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” và cho rằng, lời Người dạy đã trở thành chân lý và đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đang nỗ lực phát triển nhanh, mạnh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần phải xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng, là con đường duy nhất để tiến bộ và phát triển, là nhu cầu cấp thiết của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Đề nghị Hội Khuyến học các cấp tiếp tục quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, đặc biệt là phát triển tổ chức Hội tại các cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang theo Kết luận số 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng một xã hội học tập.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học cũng cần chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích để tích cực, tự nguyện, tự giác tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài; từ đó thu hút được sự chung tay của toàn xã hội để có thêm nhiều nguồn lực cho hoạt động. Đồng thời, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả trong việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn, Hội quan tâm biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào; động viên, chăm lo, phát huy vai trò của người đứng đầu, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, trong các tầng lớp nhân dân.
Đối với cán bộ, đảng viên, cần phải nêu gương nhiều hơn nữa, coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là quy định bắt buộc. Học tập không chỉ là nghĩa vụ, mà phải được coi là quyền, là khát vọng, say mê, là niềm vui để làm việc và làm người cán bộ, đảng viên tốt. Không học tập và rèn luyện sẽ bị tụt hậu, bị đào thải, không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn.