Sáng 8-1, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sach Nhà nước (NSNN) năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát chỉ đạo tại Hội nghị. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có các cơ quan thuộc ngành Tài chính tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2020, nhiều giải pháp chính sách tài khóa linh hoạt (như miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất) được triển khai kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, của doanh nghiệp, hộ kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Với sự chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với quyết tâm cao ngay từ đầu năm nên ngành Tài chính đã hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ tài chính NSNN quan trọng được giao, góp phần hoàn hoàn thành thắng lợi tiêu chung của cả nước, đó là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự xã hội.
Theo đó, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 1.507 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020, còn lại là tỷ trọng thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Chi NSNN cũng đã hoàn thành mục tiêu đề ra, với tổng chi ước khoảng 1.781 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước. Ước tính đến ngày 31/12/2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9% kế hoạch); phấn đấu đến hết thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31/1/2021) đạt 92-93% dự toán. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 26.000 tỷ đồng vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển không thực hiện được, phải hủy dự toán.
Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 248,5 nghìn tỷ đồng, dưới 4% GDP. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, bình quân khoảng 3,6% GDP.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương và các cơ quan thuộc Bộ Tài chính đã làm rõ thêm những kết quả cùng những thuận lợi, khó khăn trong công tác tài chính NSNN năm 2020; đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp để việc thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2021 đạt hiệu quả cao hơn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương những nỗ lực mà ngành Tài chính đã thực hiện và đạt được trong năm 2020 cũng như cả giai đoạn 2015-2020. Thủ tướng đánh giá cao sự tham mưu của ngành với nhiều chính sách khắc phục thiên tai, dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân. Kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế, điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực, cải cách hành chính hiệu quả. Là cơ quan đầu mối chủ động phối hợp với các ngành làm tốt chính sách công cụ tài chính, tài khóa ở tầm vĩ mô, cùng với Chính phủ thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước với nhiều sự kiến quan trọng được diễn ra; cũng là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng mà ngành ngành Tài chính phải nỗ lực thực hiện trong năm 2021 và những năm tiếp theo, đó là thực hiện tốt chỉ tiêu, mục tiêu về ngân sách tài chính đã giao (tổng thu NSNN năm 2021 là 1.343,5 nghìn tỷ đồng; tổng chi 1.687 nghìn tỷ đồng)…