Vượt qua những tác động tiêu cực từ đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh, tăng trưởng kinh tế quý I-2021 đạt 4,48%. Ðây là mức thấp hơn kịch bản điều hành nhưng so với quý I-2020 - thời điểm dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, kết quả này là khả quan.
Ðiều hành linh hoạt hơn
Về cơ bản, kinh tế Việt Nam đang đi theo hướng đã dự báo, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, một số ngành như kim loại, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử… khôi phục lại được mức tăng trưởng tương đương với thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, quý I-2021 ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng tốt ở nhiều ngành kinh tế quan trọng. Cụ thể, ngành công nghiệp tăng 6,5% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I-2020, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Ngành xây dựng cũng tăng trưởng khá cao ở mức 5,17%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng lạc quan hơn: 68,6% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I-2021 tốt hơn và ổn định so quý IV-2020.
Bên cạnh đó, 85,1% số DN đánh giá tình hình quý II-2021 sẽ tốt hơn và ổn định so với quý đầu năm. Trong quý I cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so cùng kỳ. Xu hướng xuất siêu vẫn tiếp tục được duy trì, đã có sáu mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD, góp phần đưa kim ngạch xuất siêu hàng hoá cả nước đạt 2,03 tỷ USD. Xuất khẩu dệt may từng bước phục hồi, trong khi xuất khẩu giày dép tăng trưởng khá cao. Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa chuyển biến tích cực với tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng, tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng giảm. Kim ngạch nhập khẩu bắt đầu tăng trở lại là tín hiệu cho thấy sản xuất đang phục hồi, chuỗi cung ứng được nối lại. Một chỉ báo khác của sự phục hồi sản xuất kinh doanh là thu ngân sách có chuyển biến tốt. Tính đến giữa tháng 3, thu ngân sách đạt hơn 320 nghìn tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán cả năm, trong khi chi ngân sách chỉ hơn 264 nghìn tỷ đồng, bằng 15,7% dự toán.
Khu vực dịch vụ tăng 3,34%, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa, đạt 6,8% so cùng kỳ, cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đang dần phục hồi trở lại. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi tích cực. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút FDI tăng trưởng dương. Tổng số vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ. Ðáng chú ý, số vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh tăng mạnh, lần lượt tăng 30,6% và 97,4%, cao hơn nhiều so với thời điểm trước dịch bệnh.
Kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và DN để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. “Thời gian bùng phát dịch trong quý I năm nay dài hơn so quý I-2020 nhưng bức tranh kinh tế sáng hơn nhờ có sự linh hoạt, mềm dẻo trong điều hành. Phản ứng chính sách của Chính phủ là khoanh từng vùng có dịch, không co cụm, ngăn sông cấm chợ nên hàng hóa vẫn dồi dào, không xảy ra hiện tượng găm hàng. Ngay ở trong vùng dịch vẫn tổ chức sản xuất tại các khu công nghiệp nên hoạt động sản xuất công nghiệp được duy trì”, bà Nguyễn Thị Hương phân tích.
Thận trọng với lạm phát
Theo kịch bản điều hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021, để đạt mức tăng trưởng cả năm 6,5%, các quý phải đạt mức tăng trưởng lần lượt là 5,12%; 7,1%; 6,71% và 6,67%. Cập nhật kịch bản tăng trưởng sau khi bùng phát dịch Covid-19 đầu năm nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng tính toán, trong ba quý còn lại, phải có hai quý tăng trưởng hơn 7%. Như vậy, áp lực tăng trưởng xuất hiện ngay từ quý II với yêu cầu phải tăng trưởng 7,19%, cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với kịch bản điều hành. Ðây là nhiệm vụ rất thách thức vì các động lực tăng trưởng chưa thật sự rõ nét. Tiêu dùng dân cư chưa hồi phục mạnh mẽ, trong khi chi tiêu của Chính phủ không dồi dào như năm trước, không có dự án, công trình lớn đi vào hoạt động.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I ở mức thấp nhất 20 năm gần đây nhưng các chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng với công tác điều hành giá vì áp lực lạm phát cuối năm rất lớn. Giá dầu thô thế giới được dự báo sẽ tăng khoảng 30% trong năm 2021 và sự phục hồi của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng sẽ tạo áp lực lên giá cả nhiều hàng hoá, dịch vụ trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, CPI ở mức thấp, trong khi cân đối ngân sách được bảo đảm là những điều kiện thuận lợi để tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa, kích thích tăng trưởng kinh tế và xem xét điều chỉnh hợp lý việc tăng giá, phí một số mặt hàng do nhà nước quản lý theo lộ trình. Tuy nhiên, Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Thu Oanh cho rằng, Chính phủ cần cân đối, xem xét hài hoà việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu đúng liều lượng, đúng thời điểm nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ðiều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình nên thực hiện vào tháng 7, tháng 8, không nên dồn vào cuối năm vì sẽ tạo áp lực lạm phát năm sau.
Ðáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã 5 lần điều chỉnh với mức tăng bình quân 11% so quý I-2020. Do đó, liên bộ Bộ Tài chính - Công thương cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu thô thế giới, kết hợp với Quỹ bình ổn giá để giá bán lẻ xăng dầu trong nước không tăng quá cao.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu quý I năm 2021: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,48%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7%; 29,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1%; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 6,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 22%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 26,3%; xuất siêu 2,03 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 0,29%; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |