Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, từ đó, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa có công văn số 128/VPTT ngày 2/4 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh, thành phố về việc chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian chuyển mùa (tháng 4-6/2021) và đặc biệt là trong 10 ngày tới, ở khắp các khu vực trên cả nước có khả năng xuất hiện hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh cũng như các hình thái thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân nhằm chủ động phòng tránh các hiện tượng thiên tai có thể xảy ra. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra rà soát an toàn nơi ở của người dân, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là tuyến thông tin cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cụ thể như: gia cố, bảo vệ mái nhà có vật liệu dễ bị tốc, vỡ; che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.
Ngoài ra, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai./.