Biến chủng SARS-CoV-2 tại Ấn Độ có mức độ lây lan mạnh, tử vong nhiều hơn. Việt Nam đang gấp rút giải trình tự gene 4 ca mắc COVID-19 là chuyên gia Ấn Độ vào Yên Bái.
Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn an toàn tiêm chủng, tổ chức sáng nay (28/4), GS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm cho biết, chủng virus B.1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn các chủng hiện hành. Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S, nên lây rất nhanh, tử vong cao.
Hiện Việt Nam đã ghi nhận 4 chuyên gia Ấn Độ vào Yên Bái mắc COVID-19, 1 nhân viên khách sạn tiếp xúc gần cũng đã dương tính. Cả 5 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Để xác định các bệnh nhân có nhiễm biến chủng mới tại Ấn Độ hay không, Việt Nam đang khẩn trương giải trình tự gene các ca bệnh trên và sẽ có kết quả trong vài ngày tới.
Kết quả giải trình tự gene sẽ là căn cứ để Việt Nam tăng cường các biện pháp phòng vệ và có thông tin đầy đủ cho cán bộ y tế có phương án điều trị cho bệnh nhân.
Hiện, sức khoẻ của 4 chuyên gia Ấn Độ và 1 nhân viên khách sạn tại Yên Bái đang ổn định, các triệu chứng lâm sàng chưa phát hiện bất thường.
“Dù chưa rõ tỷ lệ lây tăng cao hơn bao nhiêu, nhưng người ta thấy nhanh hơn tất cả những chủng trước đây Ấn Độ từng gặp. Do đó, không chỉ Ấn Độ phải đối mặt với biến chủng kép, cả thế giới cũng hết sức quan tâm, làm sao để ngăn chặn không lan tràn sang nước khác”, GS. Nguyễn Văn Kính cho biết.
Cũng trong sáng nay, Bộ Y tế ra mắt Ban chỉ đạo (BCĐ) an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng ban, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê làm Phó trưởng Ban Thường trực. Nhóm chuyên gia tư vấn có đại diện của Văn phòng WHO tại Việt Nam và UNICEF tại Việt Nam.
BCĐ có nhiệm vụ cập nhật, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, xây dựng hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm, chỉ đạo xử trí cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm; tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm; nghiên cứu, phân tích, đánh giá điều trị các ca bệnh sự cố bất lợi sau tiêm; tổ chức giám sát, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19; chỉ đạo công tác truyền thông về việc thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19.
Cùng với công tác tiêm phòng vaccine, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế thường xuyên họp, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 phù hợp với thực tế và kinh nghiệm qua các đợt dịch của Việt Nam và thế giới. Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 phiên bản 5 - phiên bản mới nhất kèm theo Quyết định số 2008/QĐ-BYT ngày 26/4/2021.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, phiên bản thứ 5 của hướng dẫn chẩn đoán điều trị COVID-19 dựa trên những bài học kinh nghiệm thực tế điều trị ở Việt Nam, cập nhật hướng dẫn mới nhất, cập nhật của WHO, CDC và Hội đồng châu Âu...
Hướng dẫn tiếp tục khẳng định, SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người, chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc. SARS-CoV-2 cũng có khả năng lây truyền qua đường khí dung (aerosol), đặc biệt tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín.
"Càng tụ tập đông người, càng lễ hội đông người thì càng dễ lây nhiễm COVID-19. Bài học ở Ấn Độ rất rõ, số người mắc, số người tử vong rất nhanh", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cảnh báo.
Cũng theo Bộ Y tế, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo nếu mắc COVID-19 sẽ tử vong nhiều hơn. Ở người lớn, các yếu tố tiên lượng tăng nguy cơ tử vong là tuổi cao, điểm suy đa tạng cao khi nhập viện...