Thị trường tiền tệ ổn định, ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

10:28, 23/04/2021

Chiều 22-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I-2021. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, thị trường tiền tệ ổn định, tổ chức tín dụng được tạo điều kiện để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Tín dụng tăng 3,34%

Theo ông Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để bảo đảm thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng, qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay. Đến ngày 16-4, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,9% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt. 

Về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. 

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. 

Cũng tại họp báo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 16-4, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.499.546 tỷ đồng, tăng 3,34% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,78%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Đề cập tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, lĩnh vực cần tăng cường quản lý rủi ro, ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin, tính đến ngày 28-2, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế cùng thời điểm 0,67%, tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Tỷ trọng tín dụng bất động sản chiếm 19,83% trong tổng dư nợ nền kinh tế. 

Về cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản đạt 651.631 tỷ đồng, tăng 2,82% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 35,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản và chiếm tỷ trọng 7,04% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt 1.183.873 tỷ đồng, tăng 1,75%, chiếm 64,5% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản, chiếm tỷ trọng 12,79% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Đối với tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ dữ liệu cập nhật mới nhất, dư nợ lĩnh vực chứng khoán là 42.590 tỷ đồng (giảm 6,98% so với cuối năm 2020, giảm 3,41% so với cùng kỳ năm 2020), chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Theo thời hạn, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu (96,21%). Theo nhu cầu vốn, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán khác chiếm tỷ trọng cao nhất (70,54%), dư nợ đầu tư kinh doanh cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao thứ hai (26,93%).

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng khá. Đến cuối tháng 3, có 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. So với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua internet tăng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng 83% về số lượng và 146% về giá trị. 

Đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, tính đến ngày 5-4, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1-2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng. 

Đối với chương trình cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, đến ngày 31-1-2021, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội tổng số tiền khoảng 42,9 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ gần 42 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc; dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay gần 40 tỷ đồng.

Công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt. Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu để bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch.

Tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt

Về định hướng điều hành thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%.

Cụ thể, điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, diễn biến tỷ giá, cung cầu ngoại tệ để điều hành tỷ giá phù hợp, thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp...