Ngày 25-5, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến với tỉnh Bắc Giang về kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên T.Ư Đảng chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Dự tại điểm cầu Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình hình dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng lớn đến cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, trong đó có tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang. Vì vậy, Bộ và tỉnh Bắc Giang cần phối hợp thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ
Thông tin tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương khái quát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh có 1.024 ca mắc COVID-19, chủ yếu là công nhân ở các khu công nghiệp (KCN).
Tỉnh đã tạm đóng cửa 4 KCN, hiện có 60 nghìn công nhân thuộc 61 tỉnh, TP đang ở lại tỉnh Bắc Giang nên áp lực chăm lo cho đội ngũ này rất lớn. Việc tạm đóng cửa 4 KCN còn tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu vì có nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc tập đoàn lớn.
Về nông sản, Bắc Giang hiện có sản lượng lớn. Trong đó, vải thiều được mùa với sản lượng 180 nghìn tấn. Vải sớm đang cho thu hoạch, tập trung tại hai huyện Tân Yên và Lục Ngạn. Ngoài ra, tỉnh còn có các loại nông sản khác như: Dưa hấu, dứa; gà (1.700 tấn), lợn (5.600 tấn)… trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hiện, lợn, gà vẫn tiêu thụ được song giá thấp. Đến nay, tỉnh tiêu thụ được 3.700 tấn vải sớm trên tổng số 45 nghìn tấn, xuất khẩu 1.700 tấn, còn lại là tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm qua một số tỉnh miền Nam khá khó khăn.
Đồng chí Lê Ánh Dương cũng cho biết, tỉnh đã thực hiện các giải pháp khoanh vùng sản xuất, bảo vệ nghiêm ngặt vùng vải không Covid-19. Đồng thời tính toán phương án khôi phục sản xuất sau dịch với phương châm chính quyền phòng, chống dịch, DN lo sản xuất. Bắc Giang cũng nỗ lực chăm lo đời sống công nhân ở lại tỉnh, cho mở lại một số cửa hàng thiết yếu, không ăn uống tập trung; thành lập "siêu thị 0 đồng”; bước đầu đời sống công nhân ổn định.
Nhân dịp này, tỉnh đề xuất Bộ Công Thương một số vấn đề như: Quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhất là xúc tiến tiêu thụ qua biên giới; hỗ trợ tỉnh xúc tiến về vải thiều; tham mưu với Chính phủ giải tỏa việc "ngăn sông cấm chợ" với nông sản của Bắc Giang; chỉ đạo các đầu mối đưa vải Bắc Giang vào kênh phân phối trong nước đến người tiêu dùng; hướng dẫn các điều kiện cho DN trở lại sản xuất bảo đảm an toàn; đồng hành cùng Bắc Giang quan tâm đời sống công nhân.
Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang.
Phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Dương Văn Thái cảm ơn Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị rất ý nghĩa, kịp thời để giúp Bắc Giang bàn 3 nội dung: Tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu, hỗ trợ DN sản xuất trong điều kiện có dịch để chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là 3 lĩnh vực tỉnh rất quan tâm.
Đồng chí nêu rõ, về vải thiều, sản lượng của Bắc Giang năm nay cao hơn năm ngoái. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tiêu thụ gặp một số khó khăn.
Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương giúp địa phương 3 vấn đề trong tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều như: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại; tăng cường truyền thông trên kênh thông tin của Bộ; chỉ đạo kênh phân phối, các siêu thị, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử, tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho xe vận chuyển hàng hóa nói chung, vải thiều của Bắc Giang nói riêng đi qua trạm chốt. Bắc Giang quan tâm thị trường nội địa, phấn đấu 60-70% sản lượng vải tiêu thụ trong nước. Đối với xuất khẩu vải thiều, Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống, đề nghị Bộ quan tâm chỉ đạo, có cán bộ phối hợp tổ công tác của Bắc Giang tại Lạng Sơn, Lào Cai để kịp tháo gỡ vướng mắc giúp cho vải thiều thông quan; đồng thời Bộ quan tâm có ý kiến với tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn làm việc với phía Trung Quốc ưu tiên vải thiều xuất khẩu nhanh nhất; các cửa khẩu tăng giờ làm theo tinh thần hết việc không hết giờ. Đối với kết nối cung cầu, Bắc Giang đề nghị Bộ chỉ đạo DN, kênh phân phối trong nước chuẩn bị nguồn hàng tránh khan hiếm; kiểm soát chặt chẽ thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Đồng chí cũng thông tin, tới đây, Bắc Giang rà soát cho hoạt động trở lại một số DN bảo đảm an toàn dịch bệnh duy trì theo hướng sống chung với dịch, bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng hành cùng Bắc Giang gỡ khó
Qua thảo luận và các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đề ra các giải pháp trọng tâm đồng hành cùng Bắc Giang tiêu thụ vải thiều gồm: Trước hết, ưu tiên thị trường trong nước đối với vải thiều và đây là mục tiêu chính, cơ hội để quan tâm chăm lo thị trường trong nước, vì nhiều người dân vẫn chưa được tiếp cận vải thiều của Bắc Giang; phấn đấu duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống; xây dựng kế hoạch cụ thể tiêu thụ đối với từng loại nông sản; phối hợp với các bộ, ngành liên quan ưu tiên xuất khẩu chính ngạch; yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo cục QLTT các tỉnh, TP không cản trở nông sản của Bắc Giang, tạo điều kiện cho lưu thông; kiểm tra, chống gian lận thương mại.
Thu hoạch vải sớm tại xã Phúc Hòa (Tân Yên).
Về cung ứng hàng hóa, Bộ đồng hành bảo đảm hàng hóa cho Bắc Giang trong mọi hoàn cảnh, song tỉnh phải xây dựng kế hoạch chi tiết, nguồn hàng cụ thể để Bộ có phương án xử lý.
Tỉnh cần xây dựng phương án “4 tại chỗ” để bảo đảm dịch vụ hàng hóa ổn định; xây dựng kịch bản ở các cấp độ khác nhau. Bộ sẽ kết nối với các địa phương, không để ảnh hưởng người dân tỉnh Bắc Giang về các mặt hàng. Chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường quản lý thị trường, ngăn ngừa tình trạng trục lợi, tăng giá bất hợp lý.
Về khôi phục sản xuất, Bắc Giang cần vừa khoanh vùng dập dịch, ổn định sản xuất hiệu quả. Tỉnh cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, cho phép DN sản xuất kinh doanh trở lại nếu bảo đảm an toàn; có lộ trình cho phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước, quốc tế. Nơi nào không bảo đảm an toàn dịch bệnh dứt khoát không cho sản xuất trở lại.
Bộ cũng đang chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, DN thuộc Bộ hướng về các tỉnh có dịch, nhất là Bắc Giang chung tay ủng hộ, góp sức phòng, chống dịch COVID-19.