Dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp ở Bắc Giang và Hải Dương gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch từ đầu tháng 6 tới. Ðồng thời, hoạt động sản xuất công nghiệp ở Bắc Giang hầu như đang “đóng băng”, không chỉ ảnh hưởng doanh nghiệp (DN) và đời sống của công nhân mà còn có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều công ty là nhà cung ứng của các tập đoàn lớn như Samsung, Apple…
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Tỉnh Bắc Giang đang gồng mình ứng phó sự bùng phát của dịch COVID-19, xây dựng vùng sản xuất an toàn cho nông sản. Do kiểm soát tốt dịch bệnh, những ngày qua, hàng nghìn tấn dứa và dưa hấu được xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh. Tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn) vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và EU, các biện pháp chống dịch đang được triển khai ở mức cao nhất. Gần 100 chốt kiểm soát dịch COVID-19 đã được thành lập ở các thôn, xóm. Phó Chủ tịch UBND xã Tống Anh Vũ cho biết: UBND xã đã xây dựng kịch bản duy trì nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong mùa thu hoạch. UBND huyện Lục Ngạn dành kinh phí 2,4 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân xây dựng lò sấy vải thiều, ra quân bảo vệ vùng vải an toàn chống dịch.
Tại buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang sáng 25-5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết: Bắc Giang hiện có lượng nông sản, hàng hóa rất lớn, với khoảng 9.000 tấn dứa đang thu hoạch, 9.000 tấn dưa hấu sắp vào vụ, 1.700 tấn gà và 5.600 tấn lợn thịt cần tiêu thụ. Ðặc biệt, quả vải thiều - đặc sản truyền thống của tỉnh bắt đầu thu hoạch lứa sớm từ đầu tháng 5, kết thúc đầu tháng 6 với khoảng 45 nghìn tấn; tiếp đó là vải chính vụ 135 nghìn tấn, kéo dài trong một tháng. Áp lực rất lớn đối với tỉnh khi phải tiêu thụ một lượng lớn nông sản trong thời gian ngắn, nhất là khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Phương tiện vào thu mua tại Bắc Giang khi về phải cách ly 21 ngày nên ít người dám đến, còn phương tiện của tỉnh chở hàng đi dù được kiểm soát chặt, bảo đảm an toàn phòng dịch cũng như đầy đủ giấy tờ chứng minh; lái xe được kiểm tra nhanh COVID-19, nhưng khi qua các tỉnh, dù không bị “ngăn sông, cấm chợ” vẫn phải dừng ở nhiều chốt kiểm soát với hàng loạt quy trình lặp đi, lặp lại mất rất nhiều thời gian. Việc này vô hình trung làm giảm chất lượng hàng hóa, nhất là mặt hàng vải thiều vốn có thời gian bảo quản ngắn.
Ðến hết ngày 24-5, tỉnh đã xuất khẩu 3.400 tấn vải thiều sớm qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) và thành lập hai tổ công tác thường trực tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) nhằm giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh trong quá trình xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang trên tất cả các kênh để bảo đảm tiêu thụ hết lượng nông sản đang vào vụ. Thứ trưởng cũng đề nghị Bắc Giang và các địa phương khác nên chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch, Bộ sẽ cùng tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Lào Cai xây dựng quy trình ưu tiên cho quả vải đi qua các cửa khẩu chính ngạch. Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), nếu giữ mức xuất khẩu như năm 2020 (khoảng 47% sản lượng), chúng ta phải tìm đầu ra cho khoảng 85 nghìn tấn vải. Do đó, để hỗ trợ Bắc Giang, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các chi nhánh thương vụ tại Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) đàm phán với phía bạn tạm thời miễn kiểm tra các lô vải được Bắc Giang bảo lãnh. Bên cạnh đó, Vụ sẵn sàng hỗ trợ Bắc Giang liên lạc, đàm phán giá, ký hợp đồng với các thương nhân Trung Quốc không thể trực tiếp sang Việt Nam; cử cán bộ thương vụ đến các cửa khẩu Trung Quốc để phối hợp cán bộ của Bắc Giang giải quyết thông quan hàng hóa. Mặt khác, Vụ chỉ đạo các thương vụ ở nhiều thị trường khác, kết nối tiêu thụ vải ở các hệ thống phân phối lớn cũng như trên nền tảng thương mại điện tử.
Là một trong những địa phương trọng điểm trồng vải, tỉnh Hải Dương đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây này. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Nếu như năm 2019, vải thiều Thanh Hà mới chỉ xuất đi thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a khoảng 500 tấn, năm 2020 xuất khoảng 2.000 tấn, thì năm nay dự kiến xuất khẩu khoảng 4.000 đến 5.000 tấn. Chính vì vậy, ngay từ đợt dịch COVID-19 xảy ra hồi đầu năm, tỉnh đã xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản khác trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, khởi động chương trình đưa vải thiều và nông sản của Hải Dương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn. Ngay từ đầu tháng 5, thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có 10 DN đặt hàng thu mua vải theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu, mỗi DN dự kiến thu mua từ 300 đến 500 tấn vải thiều. Một số DN chế biến nông sản cũng có kế hoạch mua từ 500 đến 1.000 tấn vải VietGAP để chế biến vải cấp đông, thạch vải, xi-rô… Ngày 18-5 vừa qua, tỉnh Hải Dương đã tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản với 36 điểm cầu chính trong và ngoài nước. Tại hội nghị, nửa tấn vải Thanh Hà bán hết trên sàn Lazada trong vòng bốn giờ, và sau bốn giờ, quả vải đã tới tận tay khách hàng ở T.P Hồ Chí Minh.
Khôi phục sản xuất, khơi thông xuất khẩu
Hiện Bắc Giang đang phải đóng cửa 340 nhà máy trong các khu công nghiệp (KCN), ảnh hưởng đến 140 nghìn việc làm. Số lượng ca mắc COVID-19 tại Bắc Giang tuy gia tăng nhanh từng ngày, nhưng chủ yếu đều là các đối tượng đã bị cách ly. Tuy nhiên, việc phải phong tỏa trên diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng cho các công ty toàn cầu vì trong số các DN phải đóng cửa có rất nhiều nhà cung ứng lớn cho các tập đoàn Samsung, Apple hay Toyota… DN phản ánh có thể chịu đựng tình hình này trong khoảng hai tuần, tối đa là ba tuần. Do đó, chủ trương của tỉnh là cần phải nhanh chóng có biện pháp thích nghi và sống chung với dịch để nối lại sản xuất. Bắc Giang đã tổ chức 35 đoàn kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn tại các nhà máy theo đúng Bộ tiêu chí do Bộ Y tế ban hành. Sau khi hoàn thành kiểm tra vào hôm nay (ngày 26-5), những DN nào đăng ký mô hình sản xuất phòng, chống dịch sẽ được phép phục hồi sản xuất và dự kiến đến hết tuần này sẽ có sáu DN bắt đầu triển khai. Ưu điểm của các DN này là đều có hệ thống nhà ở cho công nhân ngay trong khu sản xuất. Tỉnh sẽ hướng dẫn các DN sản xuất theo quy trình an toàn, bố trí nhà xưởng hợp lý, công nhân ngồi giãn cách; các công nhân có hai lần xét nghiệm âm tính sẽ trở lại nhà máy trước ba ngày bắt đầu sản xuất để xét nghiệm tiếp một lần nữa. Việc phục hồi sản xuất chỉ áp dụng công suất tối thiểu (nhà máy có dưới 500 công nhân chỉ sản xuất 70% công suất, nhà máy có hơn 500 công nhân sản xuất dưới 50% công suất để bảo đảm yêu cầu giãn cách). Bên cạnh đó, tỉnh cử cán bộ y tế vào tận DN nhằm hỗ trợ bảo đảm phòng, chống dịch; hình thành các “Tổ an toàn Covid-19” để giám sát phòng, chống dịch trong nội bộ công nhân với nhau. “DN chỉ lo sản xuất, chính quyền sẽ lo chống dịch. Hy vọng sắp tới, Bắc Giang có thể khởi động lại chuỗi cung ứng để tránh bị đứt gãy. Ðồng thời, nếu tổ chức lại được sản xuất, đưa công nhân về nhà máy cũng giúp giảm bớt áp lực trong các khu dân cư”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chia sẻ.
Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài đề nghị, Bắc Giang cần tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất tại các DN để làm căn cứ xem xét quyết định cho phép DN phục hồi sản xuất, ưu tiên các DN, tập đoàn lớn; có sự hỗ trợ, giám sát của ngành y tế để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Từng nhà máy, cơ sở sản xuất, KCN phải thực hiện phân chia khu vực, bộ phận, phân xưởng sản xuất, điều chỉnh phân ca sản xuất theo địa bàn cư trú của công nhân, để nơi nào có ca nhiễm thì khoanh vùng lập tức, trong khi những bộ phận, khu vực khác vẫn có thể tiếp tục duy trì sản xuất. UBND tỉnh cần khẩn trương làm việc với các DN sản xuất lớn trong các KCN nhằm huy động nguồn lực, xã hội hóa chi phí xét nghiệm và tiêm vắc-xin cho công nhân; quyết liệt triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19, ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu và công nhân các KCN, DN lớn.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để hỗ trợ Bắc Giang nhanh chóng phục hồi sản xuất, Bộ sẽ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên tiêm vắc-xin phòng dịch cho công nhân ở các KCN, nhất là các DN sản xuất mặt hàng xuất khẩu chủ lực hoặc đang có dịch. Về tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nhất là trái vải thiều, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bắc Giang cần xác định thị trường trong nước là quan trọng nhất. Nếu các năm trước tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 50% thì hiện nay phải phấn đấu tăng lên 60 - 70%. Bộ Công Thương sẽ giao các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án, kế hoạch thật chi tiết, cụ thể về hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản cho Bắc Giang một cách nhanh nhất, bảo đảm về sản lượng cũng như giá trị. Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cần nhanh chóng đàm phán với các cơ quan chức năng của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho trái vải xuất khẩu; các thương vụ tại thị trường khác cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kết nối cung cầu, kể cả năm nay chưa xuất khẩu được cũng phải xây dựng nền tảng cho những năm tiếp theo.
Ngay trong ngày 25-5, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan về việc giảm bớt thủ tục kiểm soát dịch cho phương tiện, bảo đảm thông suốt hàng hóa, nông sản từ Bắc Giang; ưu tiên luồng xanh cho nông sản Bắc Giang tại các cửa khẩu chính ngạch. Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh để không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đứt gãy cung cầu cũng như các hiện tượng găm hàng, trục lợi, hoặc gây khó khăn, cản trở cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân. Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang sớm xây dựng các kịch bản cụ thể, dự báo số lượng, danh mục hàng hóa cần thiết, Bộ sẽ làm hết trách nhiệm để cung ứng đủ hàng hóa cho Bắc Giang trong mọi hoàn cảnh.