Thực hiện nghiêm quy định về quảng cáo trên báo điện tử

14:44, 07/06/2021

Nghị định số 38/2021/NÐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (Nghị định 38) có hiệu lực từ ngày 1/6/2021. 

Sau khi ban hành, Nghị định 38 nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó có các cơ quan báo chí, truyền thông về một số quy định xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo trên báo điện tử. Cụ thể, Khoản 2 Ðiều 38 quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định; b) Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây; c) Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài.

Một số báo điện tử và cơ quan truyền thông cho rằng, việc quy định thời gian tắt mở quảng cáo không ở vùng cố định của báo điện tử trong thời gian 1,5 giây là quá nhanh, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quảng cáo, làm giảm doanh thu, ảnh hưởng đến kinh tế báo chí và sự phát triển của báo điện tử trong bối cảnh công nghệ số, đặc biệt khi báo chí và cả các DN đang gặp nhiều khó khăn trong tự chủ tài chính do dịch bệnh như hiện nay. Trong khi đó, các mạng xã hội và nền tảng số xuyên biên giới đang chiếm thị phần áp đảo trong lĩnh vực quảng cáo như Google, Facebook hay Youtube… do cơ chế đơn giản và thuận lợi hơn báo điện tử vì không bị điều chỉnh bởi quy định này. Vì vậy vô tình sẽ đẩy các đơn vị quảng cáo cùng chuyển hướng sang các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

Cần khẳng định, hoạt động đăng, phát quảng cáo trên báo chí phải tuân thủ các quy định của Luật Báo chí và quy định của pháp luật về quảng cáo. Mục đích của Nghị định 38 để bảo vệ người đọc, người xem trước tình trạng quảng cáo tràn lan, khó kiểm soát trên báo điện tử hiện nay. Nghị định 38 không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử mà quy định quảng cáo cần đáp ứng hai yêu cầu của người xem: Một là có phím để tắt (mở), hai là nếu có thao tác tắt (mở) thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, không thể tiếp nhận đầy đủ, liên tục nguồn thông tin. Nội dung này vốn được quy định cụ thể tại Khoản 1 Ðiều 23 Luật Quảng cáo năm 2012; còn việc xử phạt vi phạm cũng đã có tại Khoản 3 Ðiều 55, Nghị định số 158/2013/NÐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Có thể thấy, quy định xử lý hành vi vi phạm nêu trên không phải đến Nghị định 38 mới có, mà đã được thực hiện từ năm 2013. Ðối tượng, hành vi và mức xử phạt tại hai nghị định là như nhau và phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo. Như vậy, việc thực hiện Nghị định 38 trong bối cảnh hiện nay sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu của báo điện tử.

Báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng là kênh thông tin thiết yếu, hoạt động theo Luật Báo chí. Ðối với từng loại hình báo chí, có các quy định riêng về quảng cáo. Nền tảng mạng xã hội, kênh Youtube… có mục đích hoạt động và đối tượng tương tác khác biệt, vì vậy, không thể áp dụng cứng nhắc các quy định về quảng cáo trên mạng xã hội như với báo chí. Tuy nhiên, trong xu hướng chuyển đổi số báo chí, báo điện tử đang chiếm ưu thế nhờ sự phổ biến của in-tơ-nét và thiết bị di động. Quảng cáo trên báo điện tử hiệu quả do có độ phủ sóng nhanh và rộng. Hoạt động của các loại hình truyền thông trên nền tảng số cũng đang thay đổi từng ngày. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí, phối hợp các bộ, ngành liên quan điều chỉnh, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động quảng cáo phù hợp thực tiễn; phù hợp nhu cầu, tâm lý thị hiếu bạn đọc hiện đại cũng như tuân thủ pháp luật, chuẩn mực văn hóa đạo đức xã hội. Sự điều chỉnh cần thiết đó cũng sẽ đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh bình đẳng đúng pháp luật của doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh tế báo lành mạnh của các cơ quan báo chí. Ðược biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát lại các quy định tại Nghị định 38, trong đó có nội dung về quảng cáo trên mạng xã hội và các nền tảng số xuyên biên giới, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo, đề xuất những sửa đổi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, tạo sự công bằng trong hoạt động báo chí, truyền thông.