Ngày 25-11, tại T.P Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tổ chức Hội nghị giao ban với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Đồng chí Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956 chủ trì Hội nghị. Về phía tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tính từ khi thực hiện Đề án đến hết tháng 6-2013, cả nước đã đào tạo nghề cho gần 1,37 triệu lao động nông thôn, trong đó, gần 30,4 nghìn người thuộc diện có công với cách mạng, trên 170 nghìn người thuộc diện hộ nghèo, gần 31 nghìn người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp… Đã có gần 1,2 triệu người học xong, trên 950 nghìn người đã có việc làm, đạt 79,3%.
Tính riêng khu vực phía Bắc, đã có gần 559 nghìn lao động nông thôn được học nghề gồm: gần 252 nghìn người học nghề nông nghiệp, chiếm 45%, gần 308 nghìn người học nghề phi nông nghiệp, chiếm 55%. Trong đó, có gần 286 nghìn lao động là nữ, chiếm 51,1%; gần 18 nghìn người có công với cách mạng; trên 150 nghìn người dân tộc thiểu số; trên 22,5 nghìn người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp… Riêng tại Thái Nguyên, trong 3 năm từ 2010 đến hết 2012, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho trên 12,3 nghìn lao động nông thôn, trong đó, trên 9 nghìn lao động nông thôn sau đào tạo có việc làm, chiếm 74%. Hơn 3 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 4,5 nghìn lao động nông thôn được vay vốn tạo việc làm theo chính sách của Đề án 1956; trên 3 nghìn lao động nông thôn sau học nghề đã chuyển sang làm các nghề phi nông nghiệp...
Tại buổi giao ban, đại diện các tỉnh, thành phố cho rằng: việc thực hiện Quyết định 1956 có hiệu quả tích cực, góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thoát nghèo cho lao động nông thôn. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục: các địa phương hiện nay còn khó khăn trong việc chọn ngành nghề đào tạo phù hợp. Công tác giám sát thực hiện đào tạo nghề và góp phần tạo việc làm cho lao động sau đào tạo còn nhiều khó khăn…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh, năm 2014, cả nước đặt mục tiêu dạy nghề cho khoảng 700 nghìn lao động nông thôn trong đó hỗ trợ dạy nghề cho 500 nghìn lao động. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cần chủ động bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực đồng thời tìm nguồn xã hội hóa để thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn; tổ chức rà soát, xây dựng, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới; triển khai nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả; ưu tiên tổ chức dạy nghề cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện thu hồi đất…