Chương trình trồng cây phân tán được triển khai trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm qua, được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm và hưởng ứng tham gia.
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, phong trào trồng cây theo lời dạy của bác Hồ đã trở thành một nét đẹp của nhân dân trong tỉnh. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã trồng được 1695,46 ha cây phân tán (quy đổi từ số cây ra diện tích: 1.650 cây/ha).
Phúc Thành là xóm có diện tích rừng trồng lớn của xã Hóa Trung (Đồng Hỷ), 50/249 ha và rừng cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho không ít hộ dân nơi đây. Được biết, năm 2014, 4 ha rừng đến tuổi khai thác đã đem lại cho gia đình Phạm Trung An một khoản thu lớn: 170 triệu đồng. Trên diện tích rừng keo vừa khai thác, ông An đã thuê máy lật đất, đồng thời cuốc hố, chuẩn bị cho vụ trồng tới, mà theo ông, làm cách này sẽ khiến cây phát triển nhanh và rút ngắn được thời gian khai thác. Ông An cho hay: Có thể nói, nguồn lợi do rừng mang lại rất lớn, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống cho con người.
Đặc biệt, từ năm 2011, Dự án trồng cây lâm nghiệp phân tán có sự tham gia của tổ chức Đoàn từ tỉnh đến xã nên đã huy động được đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia. Năm 2011, tổng số cây trồng là 726,6 nghìn cây trên tổng số 685 nghìn cây theo kế hoạch, trong đó số cây được trồng trên đất công là 120.050 cây, còn lại trên đất vườn hộ. Lực lượng tham gia: có 444 hộ của 63 xóm, thuộc 18 xã trên địa bàn 5 huyện tham gia đăng ký trồng cây. Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục phân bổ cho các huyện thành thị với diện tích 257 ha, trong đó, trồng cây phân tán trên đất vườn hộ 162 nghìn cây, tương đương với 98 ha; trồng cây phân tán trên đất công là 264 nghìn cây, tương đương với 159 ha, hoàn thành 100% kế hoạch. Bà Đinh Thị Tâm, Phó Giám đốc cho biết: Năm 2015, thực hiện Quyết định số 2910 của UBND tỉnh, phân bổ chỉ tiêu trồng 1,6 triệu cây phân tán, hiện Trung tâm đã cung ứng được 250 nghìn cây cho các địa phương thực hiện chỉ tiêu giao, Trung tâm cũng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông các địa phương triển khai kế hoạch tới cơ sở, vận động người dân và các tổ chức tham gia. Lợi thế của trồng cây phân tán là người dân có diện tích đất nhỏ lẻ, phân tán, không nằm trong quy hoạch trồng rừng tập trung được tham gia trồng rừng; trồng cây trên diện tích đất thuộc sở hữu của các tập thể, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, đơn vị quân đội.
Đồng chí Lê Minh Hiếu, Phó Trưởng ban Thanh niên, công nhân, nông thôn và đô thị Tỉnh đoàn cho hay: Nhận thức được ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, làm đẹp cảnh quan đoàn viên, thanh niên các huyện thành, thị Đoàn, Đoàn các công ty đã hưởng ứng tham gia rất nhiệt tình. Trong đợt Tết trồng cây, đoàn viên thanh niên đã tham gia trồng 105 nghìn cây keo; trong đợt 2, dự kiến trồng trước ngày 15/4 là 110 nghìn cây keo trong đó Đoàn Thanh niên Công ty Gang thép Thái Nguyên 25 nghìn cây, Thị đoàn Sông Công 21 nghìn cây; Đoàn khối Doanh nghiệp 16 nghìn cây…. Các địa phương như huyện Đồng Hỷ, cùng với việc phấn đấu trồng mới gần 1.000 ha rừng tập trung, người dân cũng tham gia trồng 50 nghìn cây phân tán; Định Hóa: trồng cây phân tán và nhân dân tự trồng khoảng 100ha…
Trồng cây lâm nghiệp phân tán là dự án phát triển lâm nghiệp xã hội phù hợp với khả năng, điều kiện sản xuất và nhu cầu của người dân được các tổ chức xã hội nhiệt tình ủng hộ và tích cực tham gia. Chương trình không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, bảo vệ môi trường sống. Với chính sách hỗ trợ động viên hợp lý và hiệu quả, mục tiêu phát triển lâm nghiệp xã hội ngày càng được khẳng định thông qua chương trình trồng cây, trồng rừng.