Về định mức phân bổ dự toán chi ngân sách: Nhiều bất cập cho các trường học

09:15, 18/11/2015

“Do định mức phân bổ nguồn chi khác không đảm bảo các hoạt động của nhà trường nên trong các năm học vừa qua, mặc dù ngay từ đầu năm học, Sở đã có văn bản chỉ đạo nhắc nhở nhưng hầu hết các trường vẫn có hiện tượng lạm thu”… Đó là một trong những bất cập được của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra khi đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết số 12/2010/NQ-HĐND ngày 20-7-2010 của HĐND tỉnh về định mức phân bổ dự toán chi ngân sách…

Ngành GD-ĐT Thái Nguyên hiện có 673 cơ sở giáo dục. Trong đó, Sở trực tiếp quản lý 46 đơn vị là các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), trung tâm hướng nghiệp dạy nghề (TTHNDN) và các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi (GDHTTETT). Các cấp học Mầm non (MN), tiểu học (TH), THCS do UBND cấp huyện quản lý trực tiếp. Theo Nghị định số 12/2010/NQ-HĐND, định mức chung cho các trường MN, TH, THCS, tỷ lệ chi lương/chi khác hiện được thực hiện 88/12 (tính theo mức tiền lương tối thiểu hiện hành, quỹ lương được xác định trên cơ sở tổng biên chế được giao); đối với các trường THPT (gồm cả TTGDTX, TTGDHNDN) đều thực hiện chung một định mức phân bổ là 80/20. Theo đại diện nhiều trường THPT, với định mức phân bổ như thế cũng đã khiến các trường gặp rất nhiều khó khăn, vậy mà trên thực tế, trong tổng số 20% chi khác được giao, các đơn vị đều phải trừ 10% tiết kiệm để phục vụ công tác cải cách tiền lương. Do đó, kinh phí thực nhận để chi tại đơn vị đều không đủ 20% theo quy định. Cụ thể, từ năm 2011-2015, tổng kinh phí tự chủ được giao và thực hiện tại các đơn vị dự toán trực thuộc Sở GD-ĐT là 1.087 tỷ đồng, trong đó chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương chiếm tới 88,67%, phần chi khác chỉ còn 11,33%.

 

Theo đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT, chỉ duy nhất năm 2011 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách) thì nguồn chi khác còn cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ chi của các trường. Những năm tiếp theo của giai đoạn, các đơn vị đều gặp rất nhiều khó khăn, do kinh phí không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho các hoạt động trong các nhà trường. Nguyên nhân được xác định là do khi xây dựng định mức chi khác, cơ quan chức năng tính theo mức lương cơ sở là 730 nghìn đồng cho cả giai đoạn (2011-2015), nhưng các năm sau đó, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng nhiều lần: 830 nghìn (năm 2011), 1.150.000 đồng (năm 2012).

 

Thêm vào đó, các chương trình giáo dục, hoạt động trong các cấp học cũng ngày càng tăng lên đáng kể; các định mức chi cho các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chuyên môn thì biến động tăng theo thị trường, trong khi định mức chi khác hàng năm theo định mức cũ thì không thay đổi. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, các trường không còn được giao biên chế bảo vệ, trong khi đây là lực lượng không thể thiếu, do đó, các trường phải hợp đồng thuê khoán từ 2-3 nhân viên bảo vệ và ít nhất 1 nhân viên vệ sinh. Để trả lương cho những lao động này, các trường phải dùng nguồn chi khác. Điều này khiến các trường vốn đã khó khăn, càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí là không còn kinh phí để hoạt động chuyên môn, mua sắm thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất…

 

Cô giáo Nguyễn Thị Quốc Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An đơn cử: Năm 2014, tổng kinh phí nhà trường được cấp là 5,891 tỷ đồng, trong đó chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương đã là 5,209 tỷ đồng (chiếm 87%), số còn lại 681 triệu đồng (chiếm 13%) dành cho chi khác. Trong khi đó, riêng tiền công lao động hợp đồng (bảo vệ, nhân viên vệ sinh), Nhà trường đã phải trả tới 100 triệu đồng; nộp bảo hiểm thất nghiệp 33 triệu đồng; tiền thưởng các loại gần 53 triệu đồng; chi phục vụ các kỳ thi gần 137 triệu đồng. Ngoài ra còn rất nhiều các khoản chi khác phục vụ, như: điện, nước, vật tư văn phòng, văn nghệ, thể thao, nghiên cứu khoa học, khen thưởng học sinh, sửa chữa cơ sở vật chất… Cũng do nguồn chi khác quá hạn hẹp nên các khoản chi, Trường đều phải chi ở mức tối thiểu, thậm chí thấp hơn tối thiểu.

 

Đồng tình với ý kiến của cô Hòa, thầy Nguyễn Quang Thuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho biết thêm: Định mức chi khác của Trường Chuyên hiện cũng chỉ như các trường THPT khác, trong khi chúng tôi có rất nhiều các hoạt động chuyên môn khác để đảm bảo đạt được các thành tích giải quốc gia như: Chi bồi dưỡng ôn luyện cho đội tuyển quốc gia, chi dạy thêm giờ cho giáo viên ôn luyện; chi tập huấn dài ngày cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn dài ngày ở xa của Bộ GD-ĐT… Mặc dù đã tiết kiệm ở mức tối đa nhưng để duy trì được thành tích, kết thúc năm tài chính, nhà trường luôn phải để các khoản đã chi trong năm chuyển sang năm sau từ 400-500 triệu đồng.

 

Khó khăn này cũng là thực trạng chung của TTGDTX, TTHNDN. Do các đơn vị này biên chế ít người (dưới 30 người) nên quỹ lương thấp, dẫn đến chi khác được xác định trên quỹ lương cũng thấp, trong khi mọi chi phí cho các hoạt động vẫn thực hiện như các trường khác. Ngoài ra, do đa số các đơn vị này đều không đủ giáo viên các môn, vì vậy thường xuyên phải thuê giáo viên thỉnh giảng, giáo viên dạy vượt giờ. Khối THPT đã vậy, khối MN, TH, THCS lại càng khó khăn hơn, do định mức chi khác chỉ là 88/12 (12% chi khác), ít hơn 8% so với khối THPT. Từ thực tế trên đã khiến hầu hết các cơ sở giáo dục ít nhiều đều có hiện tượng lạm thu, như: Tiền bảo vệ, thuê vệ sinh, điện thắp sáng, nước uống cho học sinh, tiền xã hội hóa để sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất…

 

Bất cập này cũng được đại diện lãnh đạo Sở Tài chính thừa nhận: Mặc dù ngoài định mức được phân bổ theo quy định thì hàng năm các trường còn được bổ sung kinh phí nâng bậc lương, kinh phí tăng biên chế. Cùng với đó còn được sử dụng khoản thu học phí của học sinh để lại chi theo quy định. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở GD-ĐT còn được cân đối thêm các khoản kinh phí khác có liên quan. Tuy nhiên, với định mức phân bổ dự toán chi của giai đoạn 2011-2015 hiện không còn phù hợp, khiến các trường gặp nhiều khó khăn.

 

Theo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25-6-2015 quy định thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011-2015 sẽ được kéo dài đến hết năm 2016. Điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị thụ hưởng ngân sách vẫn sẽ được phân bổ kinh phí như các năm 2011-2015. Trước thực tế này, rất cần sự quan tâm, tính toán của cơ quan chức năng để các đơn vị có thêm sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách, hạn chế tối đa tình trạng vì thiếu kinh phí mà ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học cũng như phải lạm thu của gia đình học sinh.