Góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân

17:25, 28/01/2018

Trong năm 2017, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất,  kinh phí hoạt động… Nhưng, nhờ làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, đặc biệt là sự nhiệt tình, của cả đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật trong lĩnh vực nước sạch và môi trường nên Hội Nước sạch và Môi trường Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc chương trình công tác đề ra, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn.

Để tiếp tục thực hiện tốt 3 nội dung chính do Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát động: “Nước sạch đến với người nghèo - Biến rác thải thành tài nguyên - Chung tay chống biến đổi khí hậu”, trong năm 2017, Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về lĩnh vực nước sạch và môi trường; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về nước sạch và môi trường…

Cụ thể, Phối hợp với các sở, đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội như: Tài nguyên - Môi trường; Nông nghiệp - PTNT; Tư pháp; Viện Vật lý (Viện Hàn lâm Khoa học - CN Việt Nam); Chi cục Bảo vệ Môi trường; Trung tâm Nước SH - VSMT Nông thôn và Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tổ chức hàng chục lớp tập huấn, tuyên truyền các văn bản pháp quy của Nhà nước trong lĩnh vực nước sạch và môi trường; tuyên truyền, hướng dẫn quy trình sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; hướng dẫn thu gom, xử lý, phân loại rác tại nguồn, làm phân vi sinh từ rác sinh hoạt, đồng thời tổ chức đưa hội viên đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh làm tốt công tác nước sạch và môi trường. Đặc biệt, trong năm, ngoài việc hưởng ứng, tham gia tích cực các hoạt động nhân Ngày  nước Thế giới; Ngày môi trường Thế giới 5-6; Tuần lễ Quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường; Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn”…Hội còn phối hợp thực hiện tốt “Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Tổ chức cấp thí điểm 27.600 thùng đựng rác ba màu cho phường Hoàng Văn Thụ và phường Quang Trung; cấp 200 thùng đựng rác công cộng trên các trục đường: Lương Ngọc Quyến; Nha Trang; Phan Đình Phùng để nhân dân làm quen và thực hiện.

Đi đôi với công tác tuyên truyền, Hội còn tham mưu, đề xuất trực tiếp các dự án nước sạch và môi trường với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức Trung ương hội và các tổ chức quốc tế, đồng thời kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ cho Chương trình nước sạch và môi trường của tỉnh. Hội đã đề xuất Đề tài khoa học: “Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng các công trình nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn”, đề tài được đánh giá cao; phối hợp với Trung tâm Phát triển môi trường (Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam) và HTX Nước sạch Mỹ Yên lập Dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ xử lý nước mặt để cấp nước sạch tập trung tại xã Mỹ Yên (Đại Từ). Dự án đã được UBND tỉnh đề nghị Bộ Khoa học - Công đưa vào kế hoạch chung của Bộ. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng nghiên cứu đề xuất 3 dự án với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) để kêu gọi tài trợ việc bảo tồn, phát triển rừng, đồng thời đánh giá thực trạng đa dạng sinh học tại khu bảo tồn…

Trao đổi với chúng tôi về kết quả hoạt động của Hội Nước sạch và Môi trường Thái Nguyên, ông Hoàng Cường Quốc, Chủ tịch Hội cho biết: Năm 2017, mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, nhưng, Hội đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, hội viên có trình độ quản lý, kỹ thuật chuyên môn đa ngành, nhiệt tình, tâm huyết với lĩnh vực nước sạch và môi trường. Trong năm, nhiều hội viên đã có đóng góp vào các dự án xây dựng, cải tạo các công trình nước sạch, phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân; nhiều mô hình vệ sinh môi trường được hình thành, công tác bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm và cải thiện.

Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89%, tăng 1,7% so với năm 2016 (trong đó sử dụng nước theo quy chuẩn 02 đạt 65%, tăng 2,9% so với năm 2016); tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh đạt 69%, tăng 2% so với năm 2016, có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 70%, tăng 3% so với năm 2016; tỷ lệ số trường học có công trình cấp nước sạch và hố xí hợp vệ sinh đạt 94%, tăng 3% so với năm 2016; hệ thống các công trình thủy lợi trong toàn tỉnh đã đảm bảo nước tưới, tiêu cho 103.703ha (lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản), đạt 100% kế hoạch tỉnh giao, bảo đảm công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt. Cũng trong năm 2017, Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cũng theo ông Quốc, kết quả trên có phần đóng góp to lớn của các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như: T.P Thái Nguyên; T.X Phổ Yên; huyện Đại Từ; huyện Đồng Hỷ; Hội Phụ nữ tỉnh; Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên; Trung tâm Nước SH - VSMT Nông thôn; Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên; Chi cục Bảo vệ Môi trường; Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới…

Trong năm 2018, với mục tiêu giữ ổn định độ che phủ rừng trên 50%; nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 91%; tiếp tục phát triển hội viên và xúc tiến thành lập một số chi hội cơ sở… Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu theo kế hoạch năm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.