Sau hơn 1 năm hoàn thành, đi vào vận hành thử nghiệm, Dự án thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên đã bước đầu đem lại hiệu quả trong xử lý nguồn nước thải trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ở một số mương, suối, hồ trong khu vực nội thị và nhất là sông Cầu, đoạn chảy qua T.P Thái Nguyên.
Trước đây, phần lớn lượng nước thải sinh hoạt tại T.P Thái Nguyên xả trực tiếp ra hệ thống cống thoát nước, mương, rãnh, ao, hồ rồi chảy xuống sông Cầu, nên về lâu dài sẽ gây ô nhiễm nguồn nước tại đây. Để giải quyết thực trạng trên, tỉnh đã triển khai Dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Năm 2010, Dự án chính thức được triển khai, do Công ty TNHH Một thành viên (MTV) thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên làm chủ đầu tư, với nguồn vốn hơn 950 tỷ đồng. Đến giữa năm 2018, Dự án này chính thức hoàn thành và vận hành thử nghiệm, xử lý một phần không nhỏ lượng nước thải sinh hoạt của người dân trước khi xả ra sông Cầu.
Ông Trương Văn Dũng, Phó Giám đốc Điều hành Công ty TNHH MTV Thoát nước và phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên cho biết: Nước thải sinh hoạt khi xả ra môi trường dễ gây ô nhiễm. Trước thực trạng nguồn nước thải sinh hoạt đang gây ô nhiễm nặng một số dòng suối, mương, ao hồ của T.P Thái Nguyên và có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước sông Cầu, Chính phủ và tỉnh đã có chủ trương thực hiện Dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt ở T.P Thái Nguyên từ năm 1998, nhưng do khó khăn trong bố trí nguồn vốn đối ứng, nên đến năm 2010, Dự án này mới được triển khai. Sau 8 năm thực hiện, giữa năm 2018, Dự án hoàn thành và đi vào thử nghiệm. Hiện tại, công suất xử lý đạt 6.000m3 nước thải sinh hoạt/ngày, đêm (đạt hơn 70% so với công suất thiết kế).
Dự án được thiết kế với 9 trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải và hệ thống ống cống ngầm có tổng chiều dài hơn 17km. Hệ thống cống phải chôn ngầm dưới lòng đường từ 2 đến gần 20m có độ dốc để nước thải tự chảy về Nhà máy xử lý... Hiện tại, nước thải sinh hoạt tại các khu vực đông dân cư của T.P Thái Nguyên, như: Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Đồng Quang... được đưa về nhà máy để xử lý. Bên cạnh đó, nhiều dự án xây dựng có lượng nước thải lớn, như: Dự án nhà ở tổng hợp TECCO; Khu nhà ở xã hội TNG, Dự án khu dân cư KOSY; Dự án mở rộng khu chung cư Tiến Bộ đã xin phép đấu nối với hệ thống trạm bơm để đưa nước thải về Nhà máy xử lý... Không những vậy, khi Dự án đi vào vận hành đã xử lý dứt điểm được tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng ở khu vực hồ Xương Rồng, suối Cống Ngựa.
Tại khu vực Nhà mày, nước thải được bơm lên hệ thống Biomatter để phân tách, lọc bùn, cặn rác. Đối với chất dầu, mỡ có trong nước thải sẽ được tách lọc rồi đưa vào bể có cấy vi sinh vật xử lý. Sau đó, nguồn nước thải này tiếp tục đưa vào các bể để xử lý. Khi xả ra môi trường, nước đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn loại A (chỉ số các chất độc hại trong nước nằm trong mức độ an toàn, có thể cho phép sử dụng vào mục đích sinh hoạt). Bà Hoàng Thị Liên, Chi Cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ở các con sông, suối hiện nay là do nước thải sinh hoạt. Từ khi Nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, kết quả quan trắc tại điểm Thác Huống (điểm quan trắc tại sông Cầu gần nhất tại khu vực xả nước của Nhà máy) cho thấy, chất lượng nước tại đây được cải thiện rất nhiều so với trước. Với lượng nước tiêu chuẩn loại A từ Nhà máy xả ra đã giúp nguồn nước sông Cầu được làm sạch thêm...
Hiện nay, quá trình vận hành do các kĩ sư, cán bộ của Nhà máy thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài (Pháp). Đến hết năm 2019, các chuyên gia của Pháp sẽ bàn giao lại để các cán bộ, nhân viện Nhà máy tự vận hành.