Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh đã quy định rõ số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện được hầu hết các địa phương đồng tình, tuy vậy vẫn còn đôi chút băn khoăn cần hướng dẫn và điều chỉnh để nghị quyết đi vào cuộc sống. Thực tế ở Định Hóa cho thấy điều này.
Định kỳ, bà Hoàng Thị Hải, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bảo Cường trực tại phòng làm việc UBND xã vào chiều thứ 3 và thứ 5 hằng tuần. Theo phân công, bà phụ trách các vấn đề nội vụ, câu lạc bộ dưỡng sinh... Là giáo viên nghỉ hưu, sử dụng máy vi tính thành thạo nên bà đảm nhiệm luôn làm các loại báo cáo. Công việc vẫn như vậy từ đầu nhiệm kỳ, chỉ có điều khác là từ năm 2020, bà Hải không còn được hưởng phụ cấp chức vụ 600 nghìn đồng/tháng nữa. “Bị cắt phụ cấp cũng có đôi chút băn khoăn nhưng tôi không bận tâm quá nhiều vì con cái đều đã trưởng thành, bản thân lại có lương hưu. Vả lại tôi xác định làm việc vì trách nhiệm với tập thể.” - bà Hải tâm sự.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Cường nói: Không phải trường hợp nào cũng thuận lợi duy trì công việc như bà Hải. Theo quy định mới, ngoài Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi thì các chức danh phó khác là Chữ thập đỏ, Cựu thanh niên xung phong và Nạn nhân chất độc da cam cũng không còn là cán bộ không chuyên trách và bị cắt tiền phụ cấp. Những vị trí này đều được bầu, phải đến năm sau, thậm chí năm 2022 mới hết nhiệm kỳ. Không có phụ cấp đồng nghĩa họ chịu thiệt thòi, công sức đã vậy còn phải tự bỏ tiền xăng xe hay điện thoại. Đã có một số người vì thế mà thoái thác công việc hoặc hoạt động cầm chừng nên ảnh hưởng đến phong trào chung.
Ở cấp xóm, tổ dân phố hiện quy định 3 vị trí cán bộ không chuyên trách được hưởng phụ cấp là: Trưởng xóm, bí thư chi bộ và trưởng ban công tác mặt trận. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí khoán chi trả bồi dưỡng người trực tiếp tham gia các hoạt động với xóm loại 1 là 12 triệu đồng; xóm loại 2 là 11 triệu đồng và xóm loại 3 là 10 triệu đồng. Các vị trí này gồm: Chi hội trưởng các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, chữ thập đỏ, phó xóm, cộng tác viên dân số… Nghị quyết số 07 nêu: “Mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của xóm, tổ dân phố tối thiểu là 30 nghìn đồng/người/buổi và tối đa là 60 nghìn đồng/người/buổi. Căn cứ nguồn kinh phí, tùy theo tính chất, mức độ của công việc, trưởng xóm hoặc tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với bí thư chi bộ và trưởng ban công tác mặt trận quyết định bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của tập thể…”.
Ông Kiều Xuân Ba, Trưởng xóm Song Thái, xã Điềm Mặc nêu ý kiến: Việc giao khoán như vậy giúp cơ sở chủ động, chi trả công bằng theo mức độ đóng góp của mỗi người. Tuy nhiên, các chức danh ở xóm như: Chi hội trưởng nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ… trước đây có mức phụ cấp rõ ràng thì nay rất khó thực hiện chấm công, tính thù lao; Ai sẽ là người đứng ra ghi chép và chấm công; Nếu giao cho một cá nhân họ vừa bị giao thêm việc mà chưa chắc đảm bảo tính công tâm, khách quan. Thêm nữa, với những địa phương cùng lúc triển khai nhiều công việc như làm đường, nhà văn hóa, sửa chữa kênh mương… cần huy động nhân lực lớn thì rất có thể nguồn khoán không đủ, mức chi trả thậm chí không bằng mức tối thiểu là 30 nghìn đồng/người/buổi. Trong quá trình thực tế ở Định Hóa, chúng tôi còn ghi nhận thêm một số băn khoăn nữa. Đó là sau khi sáp nhập thì các xóm có diện tích và số hộ nhiều, việc quản lý và tổ chức các phong trào vất vả hơn nên tổng mức khoán “đóng khung” hiện nay là thấp và sẽ không phù hợp trong từng giai đoạn với sự điều chỉnh của hệ số lương cơ sở. Ngoài ra, nhiều trưởng xóm, bí thư chi bộ lại kiêm nhiệm là trưởng các đoàn đoàn thể, trong khi không có quy định việc chi trả bồi dưỡng trường hợp này sẽ như thế nào?
Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 07 của Sở Tài chính và Sở Nội vụ ban hành mới đây có đề cập: “Chủ tịch UBND xã tổ chức lấy ý kiến ban, ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng xóm hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận để thống nhất xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu kinh phí bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc của xóm, tổ dân phố”. Ông Phùng Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc cho biết: Đến thời điểm này, địa phương chưa xây dựng quy chế nói trên do một số vướng mắc. Chúng tôi cũng chưa rõ nguồn kinh phí cho các xóm sẽ được giao một lần cả năm hay chia ra theo từng tháng? Ai sẽ là người giữ tiền này? Thực tế từ đầu năm tới nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn Định Hóa đều chưa được cấp kinh phí chi trả cho cán bộ không chuyên trách và đoàn thể ở cơ sở. Việc chậm, chưa rõ ràng này ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiện toàn các chức danh ở xóm sau khi sáp nhập, nhất là phó các đoàn thể. Để giải quyết những băn khoăn, vướng mắc ở trên, rất cần có hướng dẫn cụ thể hơn của cơ quan chuyên môn.