Câu chuyện xung quanh chiếc ô tô

09:01, 09/04/2020

Kỳ này, tôi đi công tác nhiều ở các tỉnh miền núi. Riêng tỉnh Thái Nguyên chiếm 2/3 số thời gian do chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam vào tháng tới. Đi nhiều nên tôi ngộ ra nhiều điều. Phải nói phong trào xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu 134, 135 đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi, đặc biệt đường sá rất tốt. Khu vực Đông Bắc thì nhờ có cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn; Nội Bài - Tuyên Quang nên việc đi lại, thông thương hàng hóa rất thuận lợi...  

Phải chăng nhờ thế, cùng với việc làm ăn thuận lợi, mức sống lên cao cho nên nhu cầu sử dụng ô tô của người dân tăng nhanh. Trong đó, Thái Nguyên khá hơn các tỉnh trong khu vực, chẳng kém cạnh các thành phố lớn trực thuộc Trung ương. Ở những khu vực trung tâm, ô tô đỗ kín lề đường. Không ít cơ quan, công sở, doanh nghiệp, tỷ lệ người đi làm bằng ô tô cá nhân chiếm trên nửa quân số. Theo số liệu của cơ quan quản lý phương tiện giao thông tỉnh Thái Nguyên thì hiện tại toàn tỉnh có 65.500 xe ô tô các loại. Trong đó, ô tô du lịch, xe công tác là 36.000 xe; xe tải các loại là 25.600 xe; xe chở khách cũng tới 3.000 đầu xe... Như vậy, tính bình quân khoảng 16 người dân Thái Nguyên sở hữu 1 ô tô.

Trao đổi với một số chuyên gia kinh tế tôi được biết, sự tăng mạnh trên có hai lý do: Thứ nhất, là do điều kiện làm ăn, thu nhập tăng và người dân thấy được sự tiện lợi, an toàn khi sử dụng ô tô tham gia giao thông. Thứ hai, là sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp sử dụng ô tô (kể cả bán tải) là rất lớn và chính sách ưu đãi thông thoáng của các doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô. Một khía cạnh khác cũng cần nói tới là sự phát triển nói trên đã tác động tới nhiều doanh nghiệp dịch vụ sửa chữa, tân trang, cung ứng xăng dầu vật tư, thu hút hàng trăm lao động cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách. Chưa kể hàng trăm công chức, viên chức và người lao động đi làm bằng phương tiện cá nhân, tiết kiệm chi tiêu công đến trăm tỷ đồng mỗi năm. Đây là sự phát triển phù hợp quy luật.

Có điều chúng ta cũng cần nghĩ tới: Đó là Thái Nguyên sẽ dần quy hoạch lại sản xuất ở nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, chuyên doanh và chế biến tinh tại chỗ. Sẽ có những vùng chè, vùng cây công nghiệp, vùng lúa, rau mầu xuyên xã. Nông dân sẽ đi làm bằng xe ô tô bán tải để chở người lao động và sản phẩm. Và nếu có xây dựng dây chuyền sản xuất, lắp ráp cũng nên có dây chuyền sản xuất xe ô tô bán tải. Suy nghĩ này xuất phát từ thực tế: Mấy năm trước, tôi đi một số nước như: Thái Lan, My-an- ma, đặc biệt là cuộc làm việc tại CHDCND Lào. Anh PhoSy Keomani Vong, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia Lào đưa chúng tôi đi thăm Thủ đô Viêng Chăn. Viêng Chăn khoảng 1 triệu dân, bình quân mỗi hộ 1 ô tô. Nhưng số đông người dân sử dụng xe bán tải, bởi loại xe này có nhiều ưu tiên như: Gầm cao, giá phải chăng, chở được nhiều người, nhiều hàng hóa rất tiện lợi, khi bán lại dễ mà ít lỗ.