Từ ngày 1/5/2020, Mỏ sắt Trại Cau (thuộc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) chính thức dừng khai thác quặng sắt tại khai trường Tầng sâu núi quặng.
Việc này không chỉ khiến người lao động trong đơn vị lo lắng vì thiếu việc làm mà nhiều hộ dân liên quan ở thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị (Đồng Hỷ) cũng băn khoăn vì chưa được Mỏ sắt Trại Cau chi trả xong số tiền đền bù do bị ảnh hưởng từ hoạt động khai thác khoáng sản. Trao đổi với lãnh đạo Mỏ, chúng tôi được biết, đơn vị đang tiến hành các thủ tục liên quan sau khi dừng khai thác, trong đó chú trọng sắp xếp lại việc làm cho người lao động và chi trả tiền đền bù cho các hộ dân địa phương bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng sụt lún, mất nước, rạn nứt công trình của các hộ dân ở thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị (Đồng Hỷ) do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác khoáng sản tại Mỏ sắt Trại Cau, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 5/3/2020, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã ban hành Văn bản số 194/GTTN-VP về việc tạm dừng khai thác quặng sắt tại khai trường Tầng sâu núi quặng ở Mỏ sắt Trại Cau kể từ ngày 1/5/2020. Sau khi có quyết định tạm dừng khai thác, Mỏ sắt Trại Cau đã và đang tiến hành các thủ tục liên quan theo quy định (cụ thể như xây dựng phương án bảo vệ mỏ, phương án quản lý tài sản, phương án cơ cấu tổ chức, biên chế lao động và giải quyết lao động...). Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, huyện và xã Cây Thị, thị trấn Trại Cau giải quyết những thiệt hại đối với các hộ dân địa phương do bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản của đơn vị.
Về phương án sắp xếp lại lao động của Mỏ sắt Trại Cau (với 181 người), Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã điều động 55 người sang làm việc tại Mỏ sắt Tiến Bộ, 1 người sang Mỏ than Phấn Mễ; 66 người làm việc (quản lý, bảo vệ, kế toán...) tại các điểm mỏ của Mỏ sắt Trại Cau; số lao động còn lại đang được xem xét, giải quyết chế độ cho người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người không có nguyện vọng tiếp tục làm việc tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (những người này sẽ được nhận trợ cấp thôi việc theo quy định, đồng thời được Công ty hỗ trợ 30 triệu đồng/người để tìm việc làm mới).
Sau khi tiếp nhận thêm 55 lao động từ Mỏ sắt Trại Cau chuyển sang, Mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) tăng thêm 1 ca làm việc/ngày, nhờ đó công suất khai thác quặng sắt của đơn vị tăng thêm 4.000-5.000 tấn/ngày.
Ông Vi Trần Dương, Phó Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau cho biết: Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên được cấp phép khai thác tại 8 điểm mỏ ở khu vực Mỏ sắt Trại Cau. Tuy nhiên, thời gian qua, Mỏ sắt Trại Cau chỉ khai thác tại khai trường Tầng sâu núi quặng, còn lại các điểm mỏ khác đã tạm dừng hoạt động từ lâu hoặc chưa khai thác đến. Sau khi dừng khai thác tại khai trường Tầng sâu núi quặng, đơn vị vẫn phải bố trí lực lượng trông coi, bảo vệ tại các điểm mỏ nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, đồng thời bảo đảm an toàn cho nhân dân trong khu vực.
Về việc chi trả tiền đền bù cho các hộ dân địa phương bị ảnh hưởng do khai thác quặng, Mỏ sắt Trại Cau đang phối hợp với huyện Đồng Hỷ tiến hành kiểm kê, rà soát lại, trên cơ sở đó sẽ chi trả nốt số tiền đền bù cho nhân dân. Hiện nay, tại xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau còn 129 hộ bị ảnh hưởng, với tổng số tiền đền bù dự toán là gần 3,3 tỷ đồng, trong đó có 2 hộ buộc phải di dời (đơn vị đã chi trả 80% số tiền đền bù để 2 hộ di chuyển đến nơi ở mới). Cùng với đó, ngày 27/4/2020, huyện Đồng Hỷ đã tổ chức họp thống nhất phương án giải quyết tình trạng sụt lún, mất nước, rạn nứt công trình của các hộ dân địa phương sau khi Mỏ sắt Trại Cau dừng khai thác tại khai trường Tầng sâu núi quặng. Tại cuộc họp này, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã nhất trí với các nội dung liên quan. Trong đó, huyện đề nghị sau khi chi trả xong tiền đền bù, Công ty cần có phương án bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn tại khu vực Mỏ sắt Trại Cau sau khi dừng khai thác.
Theo lãnh đạo Mỏ sắt Trại Cau, bên cạnh việc thực hiện những nội dung nêu trên, đơn vị đang tiến hành tráng lấp diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn bị sụt lún không thể canh tác được nữa; tổ chức tháo dỡ, tập kết máy móc thiết bị theo đúng cam kết với huyện . Cũng vì thế nên không thể xảy ra việc đơn vị cho máy móc tiếp tục khai thác tại khai trường Tầng sâu núi quặng như một số thông tin đồn thổi, bởi hiện nay máy móc đã được tháo dỡ, tập kết về bãi, đồng thời lượng nước trong moong dâng cao, nếu muốn khai thác thì phải hút hết nước.