Những năm gần đây, bằng tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến, ngành Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đẩy mạnh đổi mới, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Hoạt động KHCN đã ghi dấu ấn quan trọng, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động KHCN, chính vì vậy, hàng năm, hơn 60% kinh phí sự nghiệp KHCN được dành cho hoạt động này. Từ đó, cho thấy KHCN thực sự là động lực phát triển KT-XH của tỉnh trong những năm vừa qua.
Nhiều hoạt động KHCN của tỉnh đã hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn áp dụng; cung cấp các thông tin liên quan đến việc thực thi hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện đề án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo lường; xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm nổi tiếng của tỉnh...
Công tác quản lý Nhà nước về KHCN được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định từ đề xuất nhiệm vụ, xét duyệt, triển khai và nghiệm thu đánh giá. Các nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nội dung nghiên cứu tập trung vào các giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất, chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao, hoàn thiện chuỗi giá trị như: Mô hình trồng cây dược liệu; mô hình sản xuất thử nghiệm giống khoai tây Actrice của Hà Lan; nhân giống, trồng và chế biến cây trà hoa vàng; mô hình vỗ béo thâm canh bò thịt; nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc...
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực Y - Dược đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Nhiều kỹ thuật mới trong điều trị, chăm sóc sức khỏe đã được ứng dụng, chuyển giao như: Ứng dụng phẫu thuật tim hở; ứng dụng quy trình ghép thận từ người cho sống; phục hồi chức năng chi trên ở bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não... Các nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn góp phần cung cấp luận cứ khoa học, hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phù hợp trong phát triển KT-XH của tỉnh. Phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ngày càng lan tỏa rộng khắp trong các trường đại học, cao đẳng, học sinh, sinh viên, tổ chức đoàn thể. Đặc biệt cơ chế phối hợp, đặt hàng với các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên bằng các sản phẩm ứng dụng, chuyển giao bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo ra những sản phẩm KHCN của Thái Nguyên, đồng thời đánh thức tiềm năng về hoạt động dịch vụ KHCN. Trong năm 2020, Bộ KHCN phối hợp với Sở KHCN, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chính thức khai trương “Điểm kết nối cung - cầu công nghệ vùng Trung du, miền núi phía Bắc” tại Thái Nguyên.
Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương và địa phương, các sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục được tập trung xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu. Đến nay, Sở đã hỗ trợ các địa phương tiến hành xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 11 sản phẩm, trong đó có 8 nhãn hiệu tập thể.
Các sản phẩm sau khi đăng ký bảo hộ thành công như: Chè Đại Từ, chè Tức Tranh, hoa đào Cam Giá, ổi Linh Sơn, na La Hiên, nhãn Phúc Thuận, tương Úc Kỳ, bưởi Tân Quang và các nhãn hiệu chứng nhận, như: Chè Phú Lương, chè Võ Nhai, gạo nếp vải Phú Lương. Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên đã được Sở KHCN đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đài Loan và đang tiếp tục đăng ký tại các nước khác...
Phong trào sáng kiến, sáng tạo kỹ thuật tiếp tục được triển khai sâu, rộng và được đông đảo các tập thể, cá nhân tham gia. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã có gần 800 sáng kiến, trong đó có gần 400 sáng kiến được công nhận. Ngoài ra, những năm qua, Sở KHCN đã hỗ trợ tích cực cho chương trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh tới cơ sở, kết hợp tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh...
Phát huy thành tích đã đạt được, mục tiêu của hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý các nhiệm vụ KHCN. Trước mắt là tập trung vào công nghệ mới, cốt lõi, tạo cơ sở dữ liệu lớn làm nền tảng cho chuyển đổi số. Xây dựng và thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 nhằm gia tăng nhanh giá trị của tài sản trí tuệ và hàm lượng công nghệ cao trong giá trị gia tăng của các ngành sản xuất.
Phát triển thị trường KHCN, trong đó thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KHCN. Thúc đẩy các hoạt động kết nối giữa các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người dân để chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, các viện nghiên cứu, các trường đại học tới cơ sở sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị thiết thực.