Ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên khẳng định như vậy khi xác nhận có tình trạng Công ty đang tồn đọng lượng lớn bụi lò phát sinh trong quá trình luyện thép, được dư luận và báo chí phản ánh thời gian gần đây.
Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì bụi lò phát sinh trong quá trình luyện gang, thép là một loại chất thải nguy hại (CTNH) nên phải được bảo quản, xử lý theo một quy trình chặt chẽ. Chủ nguồn thải phải ký hợp đồng, hợp tác với các đơn vị được cấp phép xử lý, hoặc tái sử dụng trong khuôn viên khi đã đăng ký trong sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Nếu chưa chuyển giao cho đơn vị xử lý hoặc tái sử dụng thì chủ nguồn thải có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản theo quy định (có che chắn, phương án chống thẩm thấu…).
Bụi lò tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên chủ yếu phát sinh từ hoạt động của Nhà máy luyện thép Lưu Xá (chi nhánh Công ty), với mức khoảng 8,95kg/1 tấn sản phẩm phôi thép. Vì vậy, theo thông tin từ phía Công ty, từ năm 2014 đến nay, tổng lượng bụi lò phát sinh khoảng 21,7 nghìn tấn. CTNH này đã được đăng ký theo sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH do Sở Tài nguyên - Môi trường cấp năm 2012. Công ty đã bố trí hai khu vực lưu giữ lượng chất thải này, gồm: một nhà kho có kích thước 30m x 18m x 18m, nền bê tông, có hệ thống thoát nước, mái che và biển cảnh báo theo quy định, có thể chứa trên 2 nghìn tấn bụi lò đã đóng vào bao tải; bãi chứa bụi lò ngoài trời được phủ bạt che (trong khuôn viên Công ty).
Kho lưu giữ tạm thời bụi lò thải của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
Ông Hà Tuấn Hưng, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết: Nhiều năm trước, khi bụi lò luyện thép chưa có trong danh mục CTNH thì việc xử lý dễ dàng nên không có tồn đọng. Khi quy định của pháp luật chặt chẽ hơn, Công ty gặp rất nhiều khó khăn dù luôn chủ động, tích cực trong việc tìm kiếm đơn vị có đủ điều kiện, năng lực và nhu cầu xử lý lượng bui lò này. Ngoài năng lực xử lý thấp (phần lớn đơn vị có giấy phép chỉ xử lý được khoảng 200 tấn/năm, trong khi lượng bụi lò phát sinh của Công ty là trên 3 nghìn tấn/năm), nhiều đơn vị cũng không mặn mà hợp tác vì hàm lượng kẽm trong bụi lò của Công ty thấp, hiệu quả tái chế không cao.
Được sự ủy quyền của Công ty, Nhà máy Luyện thép Lưu Xá đã ký hợp đồng chuyển giao, xử lý với Công ty TNHH Kim loại màu Việt Bắc từ tháng 7-2016. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này đã vận chuyển, xử lý trên 2,6 nghìn tấn bụi lò (mức giá xử lý hiện là 600 nghìn đồng/tấn). Như vậy, lượng bụi lò còn tồn đọng tại 2 khu lưu giữ của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên là trên 19 nghìn tấn.
Trước câu hỏi tại sao đơn vị chưa xây dựng thêm nhà kho để chứa số bụi lò tồn đọng, đại diện Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thẳng thắn cho biết: Vài năm gần đây, Công ty gặp rất nhiều khó khăn do Dự án giai đoạn 2 đình trệ, đồng thời phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề tại Mỏ sắt Trại Cau, Mỏ than Phấn Mễ (các đơn vị trực thuộc), ưu tiên hàng đầu là đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Vấn đề xử lý bụi lò tồn đọng cũng được Công ty quan tâm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Đối với lượng bụi lò tại bãi chứa ngoài trời, Công ty có cho phủ bạt che thường xuyên nhưng gần đây tại một số vị trí, thời điểm, đơn vị thi công kho chứa và doanh nghiệp nhận vận chuyển, xử lý phải bỏ bạt để tiến hành các phần việc.
Hiện nay, đơn vị thi công đang khẩn trương xây dựng các hạng mục cải tạo bãi lưu giữ bụi lò của Công ty, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 tới. Việc triển khai phương án cải tạo bãi chứa chậm so với kế hoạch và yêu cầu của Sở Tài nguyên - Môi trường (trong năm 2019) cũng bởi trong giai đoạn đó Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Minh Hạnh thông tin thêm: Cùng với việc đẩy nhanh các hạng mục cải tạo bãi chứa ngoài trời thành kho chứa đủ điều kiện, Công ty sẽ thúc đẩy tìm kiếm đơn vị có giấy phép xử lý CTNH để hợp tác. Đồng thời triển khai phương án tái sử dụng bụi lò làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Với các giải pháp và quyết tâm như vậy, chúng tôi khẳng định sẽ sớm xử lý dứt điểm lượng bụi tồn đọng này…
Chúng tôi được biết, ngày 23-3, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường bắt đầu tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Đoàn có 7 ngày làm việc trước khi đưa ra kết luận.