Toàn tỉnh hiện có hơn 57.000 người thuộc diện được trợ cấp, trợ giúp xã hội (với tổng số tiền chi trả trên 201 tỷ đồng/năm, mức chuẩn trợ cấp là 270.000 đồng/người/tháng). Chính sách này thể sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người có công (NCC) với cách mạng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, sau gần 6 năm thực hiện, nhiều điểm trong chính sách này hiện không còn phù hợp với thực tiễn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa được hưởng trợ cấp xã hội, hoặc đang được hưởng nhưng mức trợ cấp còn thấp, chưa bảo đảm đời sống hàng ngày. Đặc biệt là các hộ nghèo có thành viên là NCC, những người thuộc thế hệ thứ 3, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Theo kết quả rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH), đến hết năm 2021, dự kiến trên địa bàn tỉnh còn 77 hộ nghèo có thành viên là NCC, có mức sống thấp hơn mức trung bình ở dân cư nơi cư trú; trên 26.000 người khuyết tật, trong đó có 249 người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Để các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác “không bị bỏ lại phía sau”, từ nhiều năm nay, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần thông qua hỗ trợ về nhà ở, vốn vay phát triển sản xuất, đào tạo nghề. Đặc biệt năm 2020, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành chức năng đã tích cực vận động, huy động từ nguồn lực xã hội để hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là NCC.
Nhưng giải pháp này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt, không có tính ổn định, lâu dài. Chính vì thế, các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là những hộ nghèo có thành viên là NCC cần một chính sách mới phù hợp hơn.
Từ thực tế tại các cơ sở trợ giúp xã hội cho thấy, 100% đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi, trẻ em không nơi nương tựa, mất nguồn nuôi dưỡng, không có người chăm sóc. Trong khi đó, mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng còn thấp, chưa bảo đảm đời sống và sức khỏe cho các đối tượng.
Còn với người khuyết tật nặng, đặc biệt người khuyết tật nặng là thế hệ thứ 3 của người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì hầu hết bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật. Nhiều trường hợp bị dị tật nặng như chậm phát triển trí tuệ, câm, điếc, hội chứng Down, mắt lác, động kinh, sứt môi, hở vòm ếch, teo cơ, liệt, dị dạng các chi...; nhiều trường hợp không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Vì vậy, mức trợ cấp đang thực hiện được cho là quá thấp, chưa bảo đảm đời sống cho đối tượng cần trợ giúp.
Nhằm duy trì việc giúp các đối tượng trong diện trợ cấp xã hội có cuộc sống ổn định, trao cơ hội cho đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống và có đóng góp tích cực cho cộng đồng, Sở LĐ - TB&XH đã đề xuất với tỉnh nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho các đối tượng ở mức cao hơn: 500.000 đồng/người/tháng với đối tượng bảo trợ tại cơ sở trợ giúp xã hội; 600.000 đồng/người/tháng với người khuyết tật đặc biệt nặng là thế hệ thứ 3 của người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Sở cũng đề nghị mở rộng thêm đối tượng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, bảo đảm tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là với các đối tượng ở các nhóm đang hưởng trợ cấp, nhưng mức tiền hỗ trợ thấp hơn mức hỗ trợ trên…
Việc nâng cao mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội là một chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các giải pháp an sinh xã hội, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Từ đó, tạo thêm động lực để những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, đóng góp tích cực hơn nữa cho xã hội.