Những năm qua, hoạt động của ngành Thú y đã đóng góp hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và phát triển ngành Chăn nuôi của tỉnh. Thế nhưng, thời điểm hiện tại, hệ thống thú y cơ sở đang bị xáo trộn, thậm chí có những xã không có nhân viên thú y.
Trước đây, xã Tân Khánh (Phú Bình) có 1 trưởng thú y và 3 thú y viên, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, ở địa phương chỉ có một mình anh Phạm Văn Đạt đảm nhận công việc này. Với một địa phương đặt trọng tâm vào phát triển chăn nuôi như Tân Khánh, tổng đàn gia cầm của xã lên tới trên 600 nghìn con, cùng trên 7 nghìn con lợn, trâu, bò, công việc anh Đạt phải đảm nhận tương đối nặng nề. Anh liên tục phải “xoay” giữa các nhiệm vụ từ tham mưu các văn bản, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh đến tiêm phòng cho đàn vật nuôi hay giám sát dịch bệnh.
Thế nhưng, 14 năm gắn bó với công việc thú y viên cơ sở, thu nhập của anh Đạt mỗi tháng chỉ vẻn vẹn 1,9 triệu đồng. Anh chia sẻ: Xã có địa bàn trải rộng 28km, với 25 xóm nên tôi mất khá nhiều thời gian di chuyển giữa các hộ để nắm bắt tình hình dịch bệnh và hỗ trợ bà con khám, chữa bệnh cho vật nuôi. Vì thiếu thú y viên nên việc triển khai tiêm phòng cũng bị chậm tiến độ. Đặc thù của Thú y là ngành kỹ thuật chuyên sâu, nếu không phải người có chuyên môn thì không ai có thể làm thay được.
Thực hiện Đề án xây dựng mạng lưới thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Quyết định số 3369/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020, toàn tỉnh có 160 trưởng thú y (riêng TP. Thái Nguyên có 17 xã, phường không bố trí trưởng thú y), hưởng phụ cấp 0,8 mức lương cơ bản và 341 nhân viên thú y, hưởng phụ cấp 0,3.
Từ ngày 01/01/2021, khi Quyết định số 3369/QĐ-UBND kết thúc, Thái Nguyên chưa có quy định mới về chính sách hỗ trợ cho lực lượng thú y viên cơ sở nên hiện toàn tỉnh không còn lực lượng này. Các xã, phường, thị trấn hiện đang áp dụng Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND để bố trí vị trí thú y viên. Tuy nhiên, do yêu cầu cán bộ thú y phải có trình độ chuyên môn về chăn nuôi, thú y từ Trung cấp trở lên nên đến nay, mới có 135/178 xã, phường, thị trấn đảm bảo được vị trí này.
Nói về vấn đề này, ông Đinh Xuân Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Linh (Đại Từ) cho biết: Việc thiếu hụt lực lượng thú y viên cơ sở đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thông tin, phát hiện, khai báo dịch bệnh; thiếu đồng bộ trong thực hiện các hoạt động về quản lý công tác chăn nuôi, thú y tại địa phương. Đặc biệt, địa phương thiếu nhân lực để trực tiếp kiểm tra hướng dẫn công tác chăn nuôi, giám sát ổ dịch, tiêm phòng vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi…
Để giải bài toán lực lượng thú y cơ sở hiện đang thiếu và yếu, Sở Nông nghiệp và PTNT đang trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lực lượng thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, ngoài một nhân viên thú y không chuyên trách, mỗi xã, phường được bố trí thêm từ 2-3 cộng tác viên thú y, hưởng mức hỗ trợ hàng tháng bằng 0,5 lần mức lương cơ sở. Dự ước, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ là 8,5 tỷ đồng/năm, trích từ nguồn ngân sách của tỉnh và các địa phương.
Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản thông tin: Thái Nguyên là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, theo quy mô nông hộ (chiếm 70%) nên khó đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y. Trong khi đó, những năm gần đây, dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi có chiều hướng tăng mạnh đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, hỗ trợ lực lượng thú y cơ sở hợp lý là một trong những yếu tố then chốt quyết định hiệu quả chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững trong giai đoạn hiện na