Tháng Tư là thời điểm bắt đầu mùa mưa bão, nên công tác phòng, chống lụt bão ở các địa phương càng phải được chú trọng. Với Thái Nguyên, ngoài bảo vệ các công trình hồ đập, tăng cường phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thì phải có phương án tốt nhất để hộ đê, bởi trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến đê với chiều dài trên 48km tại các địa phương dọc sông Cầu và sông Công.
Theo phân định, Thái Nguyên có trên 34km đê cấp III gồm các tuyến đê Chã, Sông Công, Hà Châu, còn lại là đê cấp IV. Để quản lý hệ thống đê điều, tỉnh đã bố trí 3 hạt quản lý đê chuyên trách cùng các lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng tuần tra canh gác và lực lượng thủ kè, thủ cống.
Thời gian qua, mặc dù công tác hộ đê của tỉnh tương đối tốt, nhưng vẫn còn tồn tại các trường hợp vi phạm an toàn đề điều. Đó là tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê để xây dựng tường rào, cổng, lều quán tạm, đổ đất mái đê làm đường đi vào nhà, để vật liệu xây dựng trên đê, lắp dựng cột điện, đường ống cấp nước sinh hoạt trong hành lang bảo vệ đê...
Ngoài ra, một số vị trí đê có dấu hiệu chưa an toàn, xuống cấp cần được đầu tư gia cố, bảo vệ. Công tác chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” ở một số địa phương có đê còn chưa tốt, vật tư hộ đê ở một số vị trí chưa thật sự đầy đủ…
Thực hiện chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm công tác hộ đê theo đúng phương án đã duyệt.
Theo đó, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT - cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh phối hợp tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê; xây dựng, tham mưu phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, lực lượng liên quan kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tu bổ, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê điều để kịp thời đưa vào chống lũ năm 2022. Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt tạm thời hoặc hoành triệt vĩnh viễn các cống không đảm bảo an toàn; đối với các cống xung yếu phải có phương án bảo vệ tốt nhất.
Với các địa phương có đê, tỉnh yêu cầu chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến đê. Cần có kế hoạch huy động thêm các loại vật tư hộ đê trong nhân dân để không bị động khi có sự cố xảy ra.
Tăng cường kiểm tra các tuyến đê, kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều và khả năng thoát lũ của đê; kiểm tra việc chấp hành quyết định cấp phép đối với chủ đầu tư các công trình liên quan đến đê điều.
Rà soát và quản lý các hộ dân sinh sống dọc hai bên đê đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, yêu cầu khi xây dựng phải tuân thủ các quy định của Luật Đê điều, quy hoạch phòng, chống lũ của các tuyến sông có đê và các quy định hiện hành; kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều và khả năng thoát lũ theo quy định pháp luật.