Thời gian qua, an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề “nóng” luôn được cả xã hội quan tâm. Mặc dù các ngành chức năng đã nỗ lực kiểm soát, ngăn ngừa các nguy cơ gây mất ATTP, nhưng ý thức của người sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, người tiêu dùng không lúc nào vơi bớt nỗi lo về thực phẩm “bẩn”.
Hiện nay, chợ truyền thống vẫn là nơi thu hút nhiều nhất số lượng người tiêu dùng đến chọn mua thực phẩm bởi sự tiện lợi, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là nguy cơ mất ATTP từ các chợ khá cao. Tại một số chợ trong tỉnh, điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, nguồn nước sạch, hệ thống cống rãnh chưa đảm bảo, mặt bằng bán hàng nhìn chung chưa đạt điều kiện vệ sinh ATTP.
Đơn cử ngay tại TP. Thái Nguyên, các chợ như: Túc Duyên, Gia Sàng, Bờ Hồ…, đa số các gian hàng được bày bán trong điều kiện nhếch nhác, xập xệ. Các mặt hàng như: Rau, củ, quả, cá… được bày bán ngay trên nền đất ẩm thấp.
Tình trạng mất vệ sinh vẫn diễn ra hằng ngày, nhất là các gian hàng kinh doanh hải sản tươi sống, gia cầm. Đa số hải sản tươi sống như: tôm, cá, gia cầm... đều được bày bán trong điều kiện nhếch nhác, đặt trên 1 tấm nilon, rổ, rá hoặc bao tải cũ rách, thậm chí đặt ngay trên sàn chợ cạnh rãnh thoát nước.
Thêm vào đó, để tiện cho người tiêu dùng, những người bán hàng đều nhận sơ chế thực phẩm luôn tại chợ, ngay trên nền đất. Việc bày bán thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch của lực lượng thú y, không cần đến các điểm giết mổ tập trung là khá phổ biến.
Có thể nói, thực phẩm tại các chợ truyền thống phần lớn đều không qua kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng về vệ sinh ATTP. Vì vậy, người tiêu dùng cũng khó phân định được đâu là thực phẩm an toàn. Chị Nguyễn Thị Nga, ở tổ 4, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cho hay: Khi đi chợ, tôi chọn mua theo cảm tính chứ rất khó phân biệt đâu là thực phẩm bảo đảm vệ sinh ATTP, đâu là thực phẩm “bẩn”.
Không chỉ ở các chợ, tại các cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên địa bàn tỉnh cũng đáng báo động về tình trạng vi phạm vệ sinh ATTP. Nhiều mặt hàng như: Bánh đa nem, bánh, kẹo, nấm, măng khô, cá khô... chỉ được đóng trong các bao nilon, bao giấy không nhãn mác nên người tiêu dùng không biết nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng. Ngoài ra, nhiều mặt hàng như: Trà sữa, sữa, bò khô, bim bim, bánh, kẹo, nước ngọt… có bao bì, nhãn mác là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hạn hoặc đã hết hạn sử dụng cũng khá phổ biến.
Trước thực trạng trên, để công tác đảm bảo vệ sinh ATTP triển khai có hiệu quả, hằng năm, tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra và kiện toàn ban chỉ đạo ATTP từ tỉnh, huyện đến các xã, phường, thị trấn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về ATTP được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức như: Cung cấp tờ rơi, treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về ATTP.
Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng chưa được thực hiện thường xuyên. Việc phát hiện và xử phát các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP còn nương nhẹ, chưa mang tính răn đe; chưa công khai tên các cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, một số địa phương trong tỉnh chưa có sự vào cuộc quyết liệt, việc kiểm tra còn mang tính nể nang…
Thiết nghĩ, việc bảo đảm vệ sinh ATTP chỉ có thể giải quyết tốt nếu có những biện pháp được triển khai đồng bộ từ nhà quản lý, người sản xuất, người tiêu dùng đến ý thức sử dụng thực phẩm của mỗi người dân trong cộng đồng.