Thái Nguyên hiện có trên 50 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đang hoạt động, với hơn 40 dự án được triển khai trên các lĩnh vực. Trong số đó, các tổ chức PCP đến từ Hàn Quốc chiếm đa số. Với những cách làm bài bản, khoa học, hình thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực, các tổ chức PCP Hàn Quốc đã và đang góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của địa phương.
Theo báo cáo của Sở Ngoại vụ, từ năm 2018 đến nay, có khoảng 10 tổ chức PCP Hàn Quốc đã và đang duy trì hoạt động tại Thái Nguyên, như: Tổ chức Korea Food for the Hungry International (KFHI), Tổ chức Global Civic Sharing (GCS), Quỹ Toàn cầu hóa nông thôn mới (Saemaul Globalization Foundation)… Hoạt động của các tổ chức này tập trung ở nhiều lĩnh vực gồm: Phát triển giáo dục, y tế, sức khỏe, nâng cao năng lực cho người dân, phát triển nông thôn bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu... Đối tượng mà các dự án hướng đến chủ yếu là trẻ em, phụ nữ, người nghèo tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số...
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, đánh giá: Không chỉ chiếm số lượng lớn, các tổ chức PCP của Hàn Quốc hoạt động trên địa bàn tỉnh còn có phương pháp làm việc rất khoa học, bài bản, hỗ trợ trong thời gian dài và có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị đầu mối cũng như địa bàn thụ hưởng. Mục tiêu và nội dung các chương trình, dự án đều bám sát nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Chương trình tăng cường hợp tác, vận động viện trợ PCPNN của tỉnh giai đoạn 2021-2025; tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam. Các dự án đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nhất là trong việc chăm sóc, phát triển toàn diện cho trẻ em; hỗ trợ kiến thức, sinh kế, phát huy nội lực cho người dân vùng khó. Tại những địa bàn, đơn vị được các tổ chức PCP của Hàn Quốc hỗ trợ, sau khi kết thúc dự án, nhiều cách làm, nội dung vẫn được duy trì, và tiếp tục nhân rộng.
Trong số các tổ chức PCP Hàn Quốc hoạt động tại Thái Nguyên, KFHI là đơn vị có thời gian hoạt động dài và thực hiện dự án ở nhiều địa bàn nhất. Từ mô hình thực hiện tại xã Phủ Lý, Hợp Thành, Ôn Lương (Phú Lương) từ năm 2010, đến nay, dự án của KFHI đã mở rộng hoạt động hỗ trợ ở 12 xã, phường thuộc các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai và TP. Thái Nguyên. Sự hỗ trợ của các dự án cũng rất đa dạng, thiết thực, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, công trình công cộng đến hỗ trợ bò giống sinh sản, tập huấn kiến thức cho các hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Anh Nguyễn Văn Cân, xóm Vang, xã Liên Minh (Võ Nhai), được Dự án Ngôi làng hy vọng của Tổ chức GCS Hàn Quốc hỗ trợ vay vốn để mua trâu sinh sản.
Phú Đô là xã đầu tiên của huyện Phú Lương được Tổ chức KFHI tài trợ để thực hiện Dự án “Chuyển đổi cộng đồng tập trung vào trẻ em (CFCT) giai đoạn 2020-2029". Nói về sự hỗ trợ này, thầy giáo Nguyễn Ngọc Dương, Hiệu phó Trường THCS Phú Đô 1, chia sẻ: Trường có 310 học sinh thì 170 em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, dân tộc thiểu số được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. 2 năm qua, Tổ chức KFHI đã tổ chức tặng quà, đồ dùng học tập cho các em vào dịp đầu năm học và ngày lễ, tết; tổ chức khám sức khỏe định kỳ; giáo dục kỹ năng sống, cho các em đi tham quan, trải nghiệm tại các điểm văn hóa, lịch sử trên địa bàn… Dự án cũng hỗ trợ nhiều công trình, thiết bị khác cho trường; tổ chức tập huấn cho giáo viên, nhất là phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy...
Hay như Tổ chức Global Civic Sharing (GCS Hàn Quốc) triển khai Dự án “Ngôi làng hy vọng” tại các xã thuộc địa bàn huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ và TP. Phổ Yên. Dự án hướng đến hộ nghèo, với hình thức hỗ trợ vốn vay mua trâu với lãi suất thấp và chương trình tập huấn nâng cao năng lực, thúc đẩy tinh thần tự lập, tự chủ của người nông dân.
Chị Trần Thị Ca, xóm Vang, xã Liên Minh (Võ Nhai) là một trong những hộ được nhận sự hỗ trợ từ Dự án “Ngôi làng hy vọng” của Tổ chức GCS Hàn Quốc. Chị Ca cho biết: Chồng mất từ lâu, một mình tôi bươn chải nuôi hai con ăn học, cuộc sống chật vật lắm. Tôi được Dự án cho vay 26 triệu (lãi suất 2%/năm) để mua trâu sinh sản. Con trâu giống ban đầu nay đã sinh sản được 4 con. Như vậy, ngoài hoàn vốn, tôi vẫn để ra được gần 100 triệu đồng. Số tiền đó giúp tôi nuôi con ăn học, sửa chữa nhà cửa.
Trong quá trình thực hiện các dự án, cán bộ, người dân vùng thụ hưởng còn có cơ hội sang tham quan, học tập tại nước bạn, đặc biệt là tỉnh Gyeongsangbuk-do, địa phương kết nghĩa với Thái Nguyên, và tình nguyện viên người Hàn cũng có những hoạt động hỗ trợ rất gần gũi với người dân như: Hái chè, sơn tường, dọn dẹp vệ sinh môi trường… Bởi thế quan hệ giữa các tình nguyện viên và người dân luôn ấm áp, thân tình và duy trì trao đổi, liên hệ sau khi dự án kết thúc.
Có thể nói, việc nâng cao hợp tác của các tổ chức PCPNN, đặc biệt là Hàn Quốc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, hai bên đã mở rộng quan hệ giao lưu văn hóa, nâng cao công tác đối ngoại nhân dân, góp phần tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác toàn diện, đẩy mạnh kết nghĩa với các tỉnh của Hàn Quốc với Thái Nguyên. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam và Hàn Quốc đang chuẩn bị các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 - 22/2/2022).