Khác xa thời còn là một bản Mông cheo leo bên cách núi, tận cùng của xã Phương Giao (Võ Nhai), Lân Thùng (thuộc xóm Đồng Dong) giờ có đường bê tông hai làn xe nối đến thẳng trung tâm xã. 100% hộ dân nơi đây được sử dụng điện lưới Quốc gia, nước sạch hợp vệ sinh và trẻ em được đến trường học đầy đủ…
Con đường trải dài qua những triền dốc đứng, quanh co được đổ bê tông phẳng lì và mới được mở rộng gấp đôi năm 2021 đưa chúng tôi từ UBND xã Phương Giao đến Lân Thùng trong chốc lát. Thời điểm này, Lân Thùng như được khoác tấm áo mới, vàng sậm bởi những chùm ngô - cây lương thực gắn bó với bà con người Mông, đang mùa thu hoạch. So với trước kia, cây ngô không còn là nguồn thu nhập chính của người dân Lân Thùng nhưng đây vẫn là nguồn lương thực chính của đồng bào. Bởi vậy, Lân Thùng hiện vẫn có tới hơn 30ha trồng ngô hằng năm, với sản lượng gần 100 tấn.
Bà con người Mông đến Lân Thùng từ năm 1998. Ban đầu, chỉ có vài gia đình, đến những năm 2000, nhận thấy đồng đất ở đây màu mỡ, thuận tiện canh tác, hơn 30 hộ khác cũng chuyển đến lập bản người Mông Lân Thùng. Hiện, cả bản có 96 hộ, với 430 nhân khẩu, hầu hết là người dân tộc Mông.
Ông Ngô Văn Xinh, Phó xóm Đồng Dong phụ trách bản Lân Thùng, cũng là người Mông đầu tiên đến sinh sống ở đây, chia sẻ: Những năm đầu, đời sống bà con người Mông gặp rất nhiều khó khăn, đường chỉ dành cho người đi bộ, nước sạch sinh hoạt và nước sản xuất đều thiếu, trong khu không có điện sinh hoạt, không có điểm trường cho các cháu nhỏ đi học... Khi đó, người dân chủ yếu trông vào cây ngô giống cũ, năng suất thấp nên "ăn bữa nay lo bữa mai". Thấu hiểu những khó khăn của bà con, năm 2012, UBND xã Phương Giao đã đầu tư mở rộng tuyến đường lên Lân Thùng giúp việc đi lại của bà con thuận lợi hơn, đồng thời hướng dẫn đồng bào chuyển đổi sang trồng một số giống ngô cho năng suất cao.
Một góc bản người Mông Lân Thùng.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Xinh, dấu ấn đậm nét ghi dấu sự chuyển mình thực sự đối với Lân Thùng là vào năm 2015, khi UBND tỉnh triển khai Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống (Đề án 2037). Với Đề án này, 6,2 km đường vào Lân Thùng được đổ bê tông rộng 3m, với kinh phí đầu tư trên 9 tỷ đồng. Qua đó, giúp việc đi lại, thông thương hàng hóa của đồng bào được thuận lợi hơn, nông sản do bà con sản xuất ra đã có thể tiêu thụ đến các chợ bên ngoài. Cùng năm này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã xây tặng Lân Thùng nhà văn hóa với quy mô hơn 100 chỗ ngồi, là nơi sinh hoạt cộng đồng, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngành Điện cũng xây dựng hạ tầng, đưa lưới điện Quốc gia đến tận bản; ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện nâng cấp điểm trường Mầm non và Tiểu học Xuất Tác tại Lân Thùng khang trang, to đẹp hơn…
Không dừng lại ở đó, các cấp, ngành của huyện Võ Nhai đã đầu tư phát triển một số mô hình điểm trồng cây ăn quả (na, nhãn), chăn nuôi gia súc thương phẩm ngay tại Lân Thùng để khuyến khích đồng bào phát triển kinh tế. Một số mô hình chăn nuôi gia súc thương phẩm thí điểm thành công đã thu hút đông đảo người dân quan tâm, làm theo. Đến nay, Lân Thùng có 90% số hộ chăn nuôi trâu, bò với quy mô nhỏ từ 1-3 con, cho thu nhập từ 10-30 triệu đồng/hộ/năm. Đây là một trong những hướng đi quan trọng giúp bà con gia tăng thu nhập trong những năm gần đây.
Ông Ngô Văn Phình xây thêm chuồng để có thể nuôi gối hai cặp trâu mỗi năm, thay vì một cặp như trước đây.
Nói về những đổi thay ở Lân Thùng, ông Hoàng Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Phương Giao, chia sẻ: Với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng tinh thần tự lực vươn lên, đời sống của bà con Lân Thùng đã thay đổi rất tích cực. Lân Thùng hiện có trên 90% hộ dân có nhà kiên cố, 100% người dân được sử dụng điện lưới, nước sạch; trẻ em được học hành đầy đủ… Tuy nhiên, theo tiêu chí mới, Lân Thùng có tới trên 80 hộ nghèo. Đây là thách thức lớn nhất đòi hỏi địa phương chúng tôi phải dành sự quan tâm đặc biệt để không chỉ giúp cộng đồng người dân tộc Mông ở đây phát triển, mà còn thiết thực nâng cao chất lượng sống cho đồng bào sinh sống nơi mảnh đất sâu, xa, khó khăn nhất của xã Phương Giao.