Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố Chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021, tỉnh Thái Nguyên tăng 4 bậc so với năm trước, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Đây là điều đáng mừng, là kết quả của một chủ trương đúng, đồng thuận cao, hành động quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh đến tất cả các sở, ngành, địa phương và sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số (CĐS).
Còn nhớ, trước khi có Chỉ số DTI, năm 2019, Thái Nguyên đứng ở vị trí thứ 44/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng Vietnam ICT Index. Nói như Giám đốc Sở TT&TT Đỗ Xuân Hòa, tỉnh bắt tay vào CĐS từ xuất phát điểm thấp. Nhưng kết quả Thái Nguyên đứng thứ 8 cả nước về Chỉ số DTI vừa được công bố đã phản ánh đúng những gì tỉnh làm được trong thời gian không dài. Cần nói thêm rằng, cả nước đang trong tiến trình CĐS ngày càng nhanh và mạnh mẽ, tỉnh, thành nào cũng tập trung cao độ cho công tác này.
Chủ trương đúng, đồng thuận cao, hành động quyết liệt
Điều này đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định tại nhiều hội nghị, diễn đàn về CĐS, thể hiện tinh thần CĐS của Thái Nguyên. Trong CĐS, tỉnh xác định rõ: Nhà nước dẫn dắt, doanh nghiệp (DN) triển khai, người dân, DN hưởng ứng; Người dân, DN là trung tâm để phục vụ và thụ hưởng thành quả CĐS.
Với phương châm và quyết tâm chính trị đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025 là về Chương trình chuyển đối số, lấy ngày ban hành Nghị quyết là Ngày chuyển đổi số Thái Nguyên (tỉnh đầu tiên trong cả nước có Ngày CĐS (31-12).
Nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực, Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch số 80 về thực hiện Chương trình CĐS. Kế hoạch này được Bộ TT&TT đánh giá cao bởi do một tập đoàn nổi tiếng thế giới về CĐS của Đức dày công khảo sát, đánh giá hiện trạng và đưa ra những khuyến nghị rất chi tiết, sát thực.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tặng Bằng khen cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên vì có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số năm 2021.
Bám sát Kế hoạch số 80, tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều xây dựng lộ trình cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ, phần việc ưu tiên. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao trong CĐS. Các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương đều được tỉnh giao nhiệm vụ, động viên, khích lệ và hỗ trợ CĐS; đăng ký đảm nhận những phần việc, nội dung về CĐS. Công tác CĐS thường xuyên được kiểm tra, đánh giá, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thông suốt từ trên xuống dưới…
Thành công của người dân, doanh nghiệp là thành công của tỉnh
Lấy người dân, DN là trung tâm để phục vụ và đối tượng được thụ hưởng kết quả CĐS, Thái Nguyên trước hết coi trọng tuyên truyền làm thay đổi tư duy, nhận thức về CĐS.
Nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân, nhất là ở vùng sâu xa sử dụng các nền tảng số, Thái Nguyên thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các xóm, bản, tổ dân phố (là một trong những tỉnh triển khai giải pháp này sớm nhất). Các tổ gồm những thành viên nòng cốt là đoàn viên thanh niên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân.
Điều đáng nói là từ khi tập trung cao độ cho CĐS đến nay, tỉnh luôn coi trọng xã hội hóa và phát triển, ứng dụng các nền tảng số sẵn có. Vì thế, dù kinh phí đầu tư không lớn nhưng Thái Nguyên đã đạt được kết quả ấn tượng trong CĐS, phần nhiều trong đó có thể định lượng như: Tốc độ truy cập mạng băng rộng tăng mạnh (chỉ số tải xuống ở mạng di động băng rộng hiện nay là 33,95 Mbps, tăng khoảng 26% so với năm 2021; chỉ số đối với mạng cố định băng rộng là 67,96 Mbps, tăng 44% so với năm trước); tuyệt đại đa số các xóm, bản đã có sóng di động băng rộng (phấn đấu phủ sóng toàn bộ trong năm nay); duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính mức độ 4 đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; đã cấp gần 1.400 chữ ký số.
Hơn 1 năm qua đã có gần 20 đoàn công tác từ các địa phương đến Thái Nguyên tham khảo về chuyển đổi số của tỉnh.
Trong ảnh: Đoàn công tác của tỉnh Bình Phước thăm Hợp tác xã chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) – đơn vị kinh tế tập thể tích cực ứng dụng chuyển đổi số, tháng 6-2022.
Tỉnh cũng đã xây dựng hoàn thành ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử “make in Thái Nguyên” để nhân rộng ra cả nước; triển khai thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và tại 3 thành phố trực thuộc; ứng dụng C-Thái Nguyên hiện đạt gần 230.000 lượt tải; tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 10 tỷ USD; 6.700 DN thực hiện khai thuế điện tử, triển khai thành công hóa đơn điện tử đạt 98,9%; thí điểm mô hình chợ 4.0… Những kết quả đó đều đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN.
Tại buổi sơ kết 1 năm việc triển khai Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số của tỉnh Thái nguyên, cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, những kết quả đạt được khẳng định quyết tâm, quyết liệt CĐS của tỉnh. Thái Nguyên hiện là tỉnh phát triển được nhiều nhất các ứng dụng số.
Kỳ vọng và những thách thức phía trước
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải trong một lần trả lời báo chí đã nhấn mạnh, những kết quả về CĐS của tỉnh thời gian gần đây mới chỉ là bước đầu, cần quyết tâm cao hơn nữa.
19 giờ ngày 8-8-2022, cuộc họp của Sở TT&TT Thái Nguyên về triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) vẫn chưa kết thúc. Từ khi Thái Nguyên đẩy mạnh CĐS, khối lượng công việc của Sở TT&TT rất lớn với yêu cầu cao và tiến độ khẩn trương. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức của Sở, đặc biệt là đội ngũ làm công nghệ thông tin, vận hành Trung tâm IOC thường không có ngày nghỉ.
Các cấp, ngành trong tỉnh cũng đều đang tập trung cao cho CĐS, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu, để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu mà Kế hoạch số 80 đề ra, xây dựng Thái Nguyên trở thành một trung tâm CĐS.
Giờ Tin học của học sinh Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn (xã Sảng Mộc, Võ Nhai). Cuối năm 2020, Sảng Mộc được tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng xã thông minh.
Vậy, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong CĐS của Thái Nguyên thời gian tới, cũng như khó khăn, thách thức là gì? Giám đốc Sở TT&TT Đỗ Xuân Hòa chia sẻ: Quá trình CĐS số của Thái Nguyên đã bắt đầu đi vào chiều sâu. CĐS vẫn tiếp tục diễn ra toàn diện, nhưng cần lựa chọn lĩnh vực, nội dung ưu tiên, thiết yếu, phù hợp thực tế của từng ngành, địa phương; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhất là vào nguồn nhân lực. Hiện nay, đội ngũ phụ trách công nghệ thông tin tại nhiều cơ quan, địa phương còn hạn chế về số lượng và năng lực, phần lớn là kiêm nhiệm.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu rất quan trọng; thu hút thêm nhiều DN công nghệ thông tin đầu tư vào tỉnh; việc duy trì, phát triển các nền tảng sẵn có để tăng tiện ích và thu hút người dân hơn; tiếp tục tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về CĐS… Đó là những vấn đề, nhiệm vụ, giải pháp cần quan tâm thực hiện – Ông Đỗ Xuân Hòa nói.
Chuyển đổi số cần những công dân số, DN số, chính quyền số, Thái Nguyên xác định rõ điều đó và đang đi đúng lộ trình đã vạch ra để đạt mục đích là lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển toàn diện trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.