Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chính vì vậy, chủ động các biện pháp phòng ngừa tại chỗ; nâng cao khả năng thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC và CNCH) cho lực lượng chức năng có vai trò rất quan trọng. Việc tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, CNCH quy mô lớn, huy động nhiều lực lượng của tỉnh Thái Nguyên năm 2022 nhằm mục đích đó.
Việc thực hành các tình huống giả định chữa cháy và CNCH được lực lượng chức năng triển khai nghiêm túc. |
Diễn tập phương án chữa cháy, CNCH cấp tỉnh năm nay được tổ chức tại Nhà máy TNG Sông Công (thuộc Khu công nghiệp Sông Công 1). Đây là đơn vị sản xuất quy mô lớn nhất của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên, diện tích 171.000m2 nhà xưởng và hơn 5.000 người lao động. Với đặc thù sản xuất hàng may mặc, nguyên liệu chủ yếu là bông, vải, sợi, hóa chất… nên cơ sở sản xuất này có nguy cơ cháy nổ rất cao; khi cháy tỏa ra nhiệt lượng lớn, nhiều khói và khí độc, có khả năng cháy lan sang các khu vực lân cận.
Tình huống giả định là đám cháy phát sinh tại xưởng cắt Sông Công 3 do sự cố chập điện. Mặc dù công nhân đã dùng bình chữa cháy tại chỗ để dập lửa nhưng không hiệu quả. Đám cháy lan rộng ra khu vực kho nguyên liệu, văn phòng, xưởng may Sông Công 1 và 2. Một số nhân viên bị mắc kẹt, không kịp thoát ra nơi an toàn; một vài trường hợp khác bị cấu kiện nhà xưởng sụp đổ đè lên người.
Đại úy Trương Quốc Được, Phó Đội trưởng Đội công tác chữa cháy và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) thông tin: Với tình huống giả định này, Ban Chỉ huy diễn tập quyết định chia thành 4 giai đoạn triển khai ứng phó, gồm: Giai đoạn 1, lực lượng cơ sở phát huy phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ). Giai đoạn 2, các đơn vị, doanh nghiệp, cụm an toàn PCCC Khu công nghiệp Sông Công 1 và chính quyền địa phương thực hiện tìm kiếm người bị nạn, ngăn chặn không để cháy lan.
Giai đoạn 3 là hoạt động của đơn vị cảnh sát PCCC và CNCH gần nhất và các lực lượng có xe chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 4, huy động sức mạnh tổng hợp, đồng bộ giữa các đơn vị chữa cháy, lực lượng vũ trang, y tế… để tìm kiếm nạn nhân và tổ chức chữa cháy.
Việc thực hành các tình huống giả định chữa cháy và CNCH được lực lượng chức năng triển khai nghiêm túc. |
Điểm nhấn trong phương án diễn tập năm nay là huy động lực lượng rất lớn gồm hơn 5.000 công nhân; lực lượng hướng dẫn thoát nạn, CNCH, chữa cháy là hơn 300 người và 19 đơn vị, doanh nghiệp. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ huy động những phương tiện, kỹ thuật hiện đại nhất hiện có như: Xe chữa cháy có thiết bị phá dỡ thủy lực, máy cưa cắt kim loại, phá dỡ bê tông; xe thang cần trục; đệm hơi; mặt nạ dưỡng khí phòng độc…
Đồng thời, lực lượng chó nghiệp vụ cũng được điều động để tìm kiếm người bị nạn đang mắc kẹt, nhất là ở các khu vực cấu kiện xây dựng bị sập đổ trong đám cháy.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên, đánh giá: Việc tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và CNCH tại Nhà máy TNG Sông Công có ý nghĩa rất quan trọng, giúp đội ngũ cán bộ và người lao nâng cao ý thức phòng cháy, khả năng sẵn sàng ứng phó và xử lý các tình huống phức tạp liên quan đến sự cố cháy, nổ. Đây cũng là dịp để đơn vị kiểm tra độ tin cậy của các thiệt bị chữa cháy và CNCH tại chỗ, từ đó bổ sung nếu cần thiết.
Tại buổi hợp luyện tổ chức sáng 27-9, Đại tá Dương Đình Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đánh giá cao tinh thần chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc của các lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị, doanh nhiệp. Đồng thời lưu ý việc tăng cường hiệp đồng phối hợp trong chỉ huy, điều hành khi xử lý sự cố. Đây sẽ là dịp quan trọng để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cơ sở, chuyên nghiệp luyện tập, nâng cao hiệu quả ứng cứu khi có cháy, nổ, tai nạn trong thực tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin