Đó là chỉ đạo mới nhất của tỉnh Thái Nguyên nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công (VĐTC). Trước đây, cơ bản các công trình sử dụng VĐTC đều thực hiện đủ các bước, trong đó có việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành gây rườm rà, tốn kém.
Theo đó, tỉnh cũng quán triệt rất rõ, đối với các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị và các trường hợp cần thiết khác khi tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành, chủ đầu tư dự án sử dụng VĐTC phải báo cáo, xin ý kiến cụ thể UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư dự án sử dụng VĐTC và các đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh công tác tư vấn khảo sát, lập dự án, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; tăng cường chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, đảm bảo chính xác, tiết kiệm, tránh sai sót dẫn đến phải điều chỉnh dự án đầu tư.
Hiện nay, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân VĐTC năm 2023 ngay từ quý đầu, tháng đầu năm. Giải pháp được đưa ra là: Các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý, sử dụng VĐTC, kịp thời cập nhật thông tin, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công. Chủ động nghiên cứu và tổ chức thực hiện lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng theo quy định. Cần thiết phải rà soát tình hình thực hiện từng dự án, từ đó phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhóm vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, nhóm vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân... để kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Tích cực phối hợp cùng nhà thầu lập hồ sơ thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối quý hoặc cuối năm.
Một trong những yêu cầu đáng lưu tâm của tỉnh đối với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC năm 2023 là kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp hồ sơ thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân. Yêu cầu các cơ quan thanh tra, kiểm tra tích cực vào cuộc làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây chậm trễ...
Được biết, năm 2022 vốn đầu tư công của tỉnh thanh toán theo kế hoạch đạt gần 8.714 tỷ đồng, vượt 45,4% kế hoạch vốn do Trung ương giao, bằng 92% kế hoạch vốn địa phương giao. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh được Trung ương giao là 7.863 tỷ đồng, địa phương giao là 8.367 tỷ đồng. Tính đến nay, số vốn giao trong năm đã được tỉnh phân bổ hầu hết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin