Sáp nhập các đơn vị hành chính và xóm, tổ dân phố không đủ tiêu chuẩn về quy mô diện tích, dân số là chủ trương lớn và rất phù hợp với thực tiễn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau một thời gian triển khai, bộ máy tổ chức ở những nơi thực hiện sáp nhập đã trở nên tinh gọn, hoạt động ổn định, hiệu quả. Tại Thái Nguyên, đối với tài sản tập thể dôi dư sau sáp nhập, tỉnh đã chỉ đạo sớm triển khai các biện pháp để xử lý. Tuy nhiên, đến nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xử lý các tài sản này nên một số trụ sở, nhà văn hóa ở khu dân cư bị xuống cấp, gây lãng phí.
Trụ sở cũ của phường Lương Châu được bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và một số hội, đoàn thể của TP. Sông Công sử dụng. |
Linh hoạt tận dụng cơ sở vật chất dôi dư
Đầu năm 2020, Thái Nguyên bắt đầu thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, gộp xã Vinh Sơn và phường Lương Châu để thành lập phường Châu Sơn (TP. Sông Công); xã Kim Sơn và Kim Phượng thành xã Kim Phượng (Định Hóa).
Đối với phường Châu Sơn, cùng với kiện toàn bộ máy tổ chức, địa phương cũng sớm hoàn thiện Dự án xây dựng trụ sở mới trên diện tích gần 10.000m2, tổng kinh phí thực hiện khoảng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Dự án bị vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND phường Châu Sơn Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ: Vướng mắc như vậy lại “hóa hay”, bởi địa phương trở lại với phương án tận dụng cơ sở vật chất hiện có. Sau một thời gian ở tạm, chúng tôi quyết định sử dụng trụ sở của xã Vinh Sơn cũ. Đây là địa phương trước đó đã đạt chuẩn nông thôn mới nên điều kiện cơ sở vật chất khang trang, chỉ cần cải tạo đôi chút là đảm bảo. Trụ sở của phường Lương Châu cũ thì bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và một số hội, đoàn thể của TP. Sông Công sử dụng. Một trạm y tế dôi dư được sử dụng làm cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng Methadone.
Với xã Kim Phượng (được sáp nhập từ 2 xã Kim Sơn và Kim Phượng cũ), ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: Sau khi sáp nhập, địa phương không có tình trạng lãng phí tài sản công. Trụ sở của xã Kim Sơn cũ hiện giao cho cơ quan Công an, Quân sự của địa phương sử dụng; Trạm Y tế xã được chuyển giao cho Trường Mầm non vốn đang thiếu nhà lớp học. Mặc dù có đôi chút bất tiện do 2 trụ sở cách nhau khá xa nhưng có thể khắc phục được.
Ông Đặng Lê Ninh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Quân Chu (Đại Từ): Sau khi sáp nhập, trên địa bàn hiện còn dôi dư trụ sở của thị trấn Quân Chu cũ. Địa phương đề nghị có phương án thu hồi hoặc thanh lý phù hợp để tránh lãng phí. |
Thị trấn Quân Chu là đơn vị hành chính cấp xã mới nhất được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu (tháng 2-2023). Địa phương quyết định cải tạo Trường THCS Quân Chu cũ đang bỏ trống để làm trụ sở (đây là công trình dôi dư sau khi Trường THCS với Tiểu học xã Quân Chu sáp nhập trước đó).
Trụ sở thị trấn Quân Chu cũ dôi dư, hiện chưa được bố trí sử dụng. |
Trụ sở xã Quân Chu cũ thì bàn giao cho Trường Mầm non sử dụng; Trạm Y tế xã là nơi ở và làm việc của Công an thị trấn. Còn Nhà văn hóa thị trấn Quân Chu cũ được giao cho tổ dân phố Nhà Máy quản lý sử dụng. Chỉ còn trụ sở của thị trấn Quân Chu cũ là chưa được sử dụng.
- Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, số liệu báo cáo của 63 địa phương thì trong giai đoạn 2023-2025 dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp (chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu). - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng vừa ký ban hành văn bản về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chỉ đạo Sở Tài chính trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương có liên quan, hướng dẫn công tác lập dự toán; việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp. |
Nghịch lý thiếu - thừa nhà văn hóa
Khác với cơ sở vật chất khối đơn vị hành chính cấp xã, sau khi sáp nhập xóm, tổ dân phố, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng dôi dư nhà văn hóa và các trang thiết bị, dẫn tới tình trạng xuống cấp, lãng phí.
Xóm Trung Tâm, xã Thanh Định (Định Hóa), là một trong những dẫn chứng điển hình. Cuối năm 2019, Trung Tâm được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xóm Khảu Rị, Nạ Mao, Pài Trận, tổng số 165 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu. Đồng nghĩa với việc xóm có tới 3 nhà văn hóa nhưng lại không có công trình nào đáp ứng nhu cầu cho cả cộng đồng dân cư.
Trong số này, lãng phí nhất là Nhà văn hóa xóm Nạ Mao cũ. Công trình do nhân dân đóng góp tiền mua đất, đối ứng xây dựng với kinh phí hơn 300 triệu đồng; diện tích xây dựng hơn 100m2 với 60 chỗ ngồi. Ngay sau khi khánh thành thì thực hiện chủ trương sáp nhập nên công trình khóa cửa, không sử dụng từ đó đến nay.
Chị Nguyễn Thị Ánh, Bí thư Chi bộ Trung Tâm, nói: Công trình để không rất lãng phí, trong khi mỗi lần họp xóm hay sinh hoạt tập thể, chúng tôi đều phải nhờ Nhà văn hóa của xã.
Tương tự, tổ dân phố 8, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), được sáp nhập từ tổ 39 và một phần tổ 37, 38, quy mô hơn 300 hộ. Chính vì vậy, 2 nhà văn hóa hiện có đều không đáp ứng được nhu cầu. Mỗi khi họp hay tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết thì tổ phải dựng rạp ngoài sân hoặc chia ra thành 2 cụm nên rất bất tiện. Thừa nhà văn hóa nhưng lại thiếu về không gian, trang thiết bị nên các hoạt động chung của công đồng dân cư không tổ chức được thường xuyên.
Theo thống kê, qua 3 đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, xóm, tổ dân phố, tỉnh Thái Nguyên đã giảm được 3 đơn vị cấp xã; 696 xóm, tổ dân phố.
Tính đến tháng 3-2023, toàn tỉnh có 487 nhà văn hóa - khu thể thao dôi dư do sáp nhập, trong đó có 250 công trình không được sử dụng. Cùng với việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa để đạt chuẩn thì việc xử lý các công trình dôi dư cũng là yêu cầu mang tính cấp thiết.
Cần sớm có phương án thanh lý
Trở lại với xóm Trung Tâm, xã Thanh Định (Định Hóa), địa phương hiện đang thực hiện Dự án xây dựng nhà văn hóa mới phục vụ cộng đồng dân cư và đảm bảo chuẩn nông thôn mới. Theo Dự án, công trình có diện tích xây dựng 200m2, tổng mức đầu tư hơn 700 triệu đồng, thêm tiền mua đất rộng 855m2 là 275 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Ánh tính toán: Sau khi trừ đi phần tiền và xi măng hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ dự kiến phải đối ứng 5 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với bà con, vì hầu hết chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Các công trình nhà văn hóa cũ thì đang bỏ không nên chúng tôi kiến nghị cấp trên cho phép thanh lý và có thể trích lại một phần cho xóm để bà con giảm bớt gánh nặng đóng góp.
Ông Chu Minh Hoàn, Tổ trưởng tổ 8, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên): Trường hợp Nhà nước thu hồi hoặc thanh lý nhà văn hóa dôi dư thì có thể bố trí một phần để hỗ trợ cộng đồng dân cư mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt chung. |
Ông Chu Minh Hoàn, Tổ trưởng tổ dân phố 8, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), nêu ý kiến: Tổ 8 đã trình phương án xây dựng Nhà văn hóa mới có kinh phí hơn 1 tỷ đồng, phần đất và công trình dôi dư thì Nhà nước có thể thu hồi hoặc bán đấu giá.
Nhà văn hóa tổ 8, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), đã được xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ nên không đáp ứng nhu cầu sử dụng của cộng đồng dân cư. |
Theo quy định, nhà văn hóa xóm, tổ dân phố là tài sản chung của cộng đồng dân cư và hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý các công trình dôi dư sau khi sáp nhập.
Đối với ý kiến, kiến nghị của người dân về việc thanh lý tài sản là nhà văn hóa dôi dư, ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, cho biết: Đây không phải kiến nghị của riêng cử tri Định Hóa mà là thực trạng nhiều nơi trong tỉnh. Trên địa bàn huyện có nhiều nhà văn hóa được xây dựng từ nhiều năm, phần lớn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là tài sản dùng chung cho cộng đồng nhưng không phải là tài sản công. Thực tế, việc thanh lý đất và nhà văn hóa dôi dư chưa thể thực hiện được do hệ thống các văn bản, hướng dẫn hiện hành chưa quy định cụ thể…
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: Đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, sớm có hướng dẫn, ban hành cơ chế đặc thù về việc xử lý nhà văn hóa xóm thuộc diện dôi dư để địa phương triển khai đảm bảo quy định. |
Cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính và xóm, tổ dân phố. Do vậy, rất cần có kế hoạch cụ thể, khoa học để sử dụng tài sản công một cách hợp lý, phát huy hiệu quả khi lập đề án sáp nhập; xử lý sớm đối với các công trình dôi dư. Đối với các nhà văn hóa - khu thể thao xóm thì việc cải tạo, quản lý phù hợp để làm nơi vui chơi cho trẻ em, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân là phương án thiết thực.
Gỡ khó về xử lý tài sản công sau sáp nhập, giải thể cơ quan Mới đây, Chính phủ có Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, trong đó đề cập đến việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó, căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương đã được Chính phủ phê duyệt, UBND cấp tỉnh lập danh sách và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án. Các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan phối hợp với UBND cấp tỉnh xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan Trung ương gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp. Việc sắp xếp trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công dôi dư để bổ sung kinh phí cho địa phương, bảo đảm đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, tránh gây lãng phí, giảm giá trị do tài sản hư hỏng, xuống cấp. Chính quyền các cấp chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin