Tình trạng lá bạch đàn bị khô dần dẫn đến chết cây đang được dư luận địa phương đặc biệt quan tâm khi đến nay có hàng trăm héc-ta rừng bạch đàn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ bị ảnh hưởng. Người dân, chính quyền địa phương nghi do sâu bệnh và đã tiến hành phun trừ, nhưng vẫn mong sự vào cuộc, kết luận của cơ quan chuyên môn để có phương án xử lý hiệu quả nhất.
Khu đồi bạch đàn ở xóm Ba Quà, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), có hàng nghìn cây bị táp, khô, rụng lá, chỉ còn thân cây trơ trụi. |
Hiện tượng cây bạch đàn bị táp, khô lá xảy ra nhiều nhất tại Văn Hán - xã có diện tích rừng lớn nhất huyện. Tại đây, nhiều cánh rừng bạch đàn đã bị khô trụi lá, chỉ còn thân cây.
Ông Triệu Văn Quảng, xóm Ba Quà, xã Văn Hán, cho biết: Vài tháng nay, tôi thấy ở xóm có nhiều cánh rừng bạch đàn bị khô lá. Đầu tiên một vài cây bị, sau đó lan ra cả đồi. Lá cây cứ khô dần rồi rụng xuống. Cây thì chết dần.
Ông Phạm Văn Long, xóm Vân Hán, xã Văn Hán, một trong những người trồng bạch đàn diện tích lớn nhất xã, chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 40ha bạch đàn từ gần 2 đến 2,5 năm tuổi. Từ đầu năm 2023, một số cây bị hiện tượng táp, khô lá, sau đó đến nay lan ra gần 10ha. Phỏng đoán cây bị nhện đỏ và bọ xít phá hoại, giữa tháng 9-2023, gia đình tôi đã mua máy bay phun thuốc trừ sâu trị giá 450 triệu đồng, phun thuốc trừ nhện đỏ, bọ xít trên toàn bộ diện tích bạch đàn và hiện thấy cây hồi lại, dần xanh tốt, không bị khô lá nữa.
Theo lãnh đạo xã Văn Hán, xã hiện có khoảng 250ha rừng bạch đàn do người dân tự phát trồng trong 3 năm gần đây, phân bố rải rác tại toàn bộ 14 xóm.
Ông Lường Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán, cho biết: Hiện tượng bạch đàn bị khô lá xuất hiện từ đầu năm 2023 trên những cánh rừng 2-3 năm tuổi, đến nay ước tính có khoảng 100ha rừng ở 14 xóm bị ảnh hưởng. Dấu hiệu nhận biết hiện tượng này là cây bạch đàn bị khô, rụng lá, các mầm cây teo lại, chết dần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh trưởng của cây. Qua đánh giá ban đầu, chúng tôi nhận thấy những cây bạch đàn bị khô lá có rất nhiều bọ xít, nhện đỏ nên nghi ngờ cây bị sâu chích hút, phá hoại hoặc bị nhiễm nấm. Chính quyền xã đã đề nghị cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý hiệu quả.
Cây bạch đàn bị khô, rụng lá, các mầm cây teo lại, chết dần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh trưởng của cây. |
Ngoài xã Văn Hán, một số địa phương khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng xuất hiện hiện tượng táp, khô lá bạch đàn. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, do người dân trồng bạch đàn tự phát, nên đến nay cơ quan chuyên môn chưa có thống kê chính xác diện tích bạch đàn trên toàn huyện, cũng như diện tích bạch đàn bị táp, khô lá.
“Chúng tôi đang phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê, cũng như lấy mẫu đất rừng trồng bạch đàn và cây, lá có hiện tượng bị táp, khô để gửi đến cơ quan chuyên môn xét nghiệm, xác định nguyên nhân, từ đó có biện pháp xử lý cụ thể”. - Bà Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh.
Có thể nhận thấy, hiện tượng cây bạch đàn bị táp, khô lá xuất hiện trên diện tích rừng lớn và gây thiệt hại đáng kể cho người dân. Với những diện tích bạch đàn gần các nhà máy sản xuất, hiện tượng này còn khiến người dân lo lắng, phỏng đoán nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bởi vậy, huyện Đồng Hỷ và cơ quan chức năng liên quan cần rà soát rừng bạch đàn toàn huyện, sớm xác định rõ nguyên nhân, đưa ra phương án xử lý nhằm tránh thiệt hại trên diện rộng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin