Cử tri quan tâm, hướng về Kỳ họp HĐND tỉnh

Nhóm P.V Kinh tế 18:03, 06/12/2023

Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV sẽ quyết định nhiều nội dung quan trọng tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn một số cử tri về những nội dung được nhiều người quan tâm tại Kỳ họp này.

Thường trực HĐND tỉnh điều hành Phiên khai mạc Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 16, ngày 6-12.

Thường trực HĐND tỉnh điều hành Phiên khai mạc Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 16, ngày 6-12.

Đánh giá khách quan chất lượng cán bộ

Kỳ họp lần này, tôi rất quan tâm đến nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu. Theo quan điểm của tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, công tác quản lý điều hành của người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu và chiều hướng phát triển của cán bộ được quy hoạch. Đồng thời cũng là kênh để ghi nhận những đóng góp của cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm, là kênh thông tin để đánh giá cán bộ.

Ông Dương Trường Giang, tổ 18, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên.

Là cử tri, tôi mong các đại biểu HĐND tỉnh hãy sáng suốt, công tâm, khách quan trong đánh giá cán bộ. Để đánh giá chính xác đối với các vị trí chức vụ do HĐND tỉnh bầu thì trước khi bỏ phiếu, các đại biểu HĐND tỉnh cần nghiên cứu kỹ những thông tin và kết quả công tác của đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm. Việc làm này giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

Ổn định đời sống người dân sau thu hồi đất

Các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Yên Bình 2, Khu công nghiệp Yên Bình 3, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên… được HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua tại Kỳ họp này, khi hoàn thành sẽ góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP. Phổ Yên nói riêng, của tỉnh nói chung, tiếp tục phát triển.
Ông Nguyễn Văn Đông, tổ dân phố Hắng, phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên.

Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định đời sống người dân trong vùng dự án sau thu hồi đất, chúng tôi đề nghị các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện cần tìm hiểu rõ các điều kiện thực tế, cũng như nhu cầu cấp thiết của người dân để việc triển khai đảm bảo phù hợp, phát huy hiệu quả. Trong đó cần ưu tiên hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, tổ chức đào tạo nghề chuyển đổi việc làm cho người dân…

Thêm động lực cho cán bộ không chuyên trách

Mặc dù là người hoạt động không chuyên trách nhưng khối lượng công việc tôi phải đảm nhiệm ở địa phương là không nhỏ. Tôi rất vui khi biết Kỳ họp HĐND tỉnh lần này sẽ thảo luận, thông qua nghị quyết quy định số lượng, chức danh và phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Đoàn xã Yên Đổ (Phú Lương).

Theo đó, mức phụ cấp hằng tháng được điều chỉnh theo tăng lên. Ví dụ như cá nhân tôi đang là Phó Bí thư Đoàn xã và có bằng chuyên môn đại học thì phụ cấp hằng tháng sẽ tăng từ 1,66 lên thành 1,76 lần mức lương cơ sở (tương đương gần 3,2 triệu đồng). Mức tăng dù không nhiều nhưng cũng là sự ghi nhận và động viên cán bộ cơ sở nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời tiếp thêm động lực để người không chuyên trách học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và dành nhiều thời gian hơn cho công việc được giao.

Có danh mục, định mức sẽ tránh được lạm thu

Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Mỏ Chè có 900/1065 học sinh bán trú. Khi nhận được dự thảo tờ trình và Nghị quyết về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, Nhà trường đã triển khai đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh để lấy ý kiến góp ý.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỏ Chè,&nbsp;TP. Sông Công.<br type="_moz">
Bà Lê Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỏ Chè, TP. Sông Công.

Dự thảo Nghị quyết quy định rõ ràng nguyên tắc thực hiện, các khoản thu và mức thu, từng khoản thu có tính đến đặc thù vùng miền. Quy định rất chặt chẽ, đảm bảo tính dân chủ, minh bạch, như: Hội đồng trường, ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường bàn bạc, thống nhất, có dự toán đưa ra thỏa thuận với cha mẹ học sinh, sau đó trình cơ quan quản lý trực tiếp phê duyệt trước khi tiến hành thu. Việc ban hành Nghị quyết giúp các cơ sở giáo dục có căn cứ để thực hiện thu, đảm bảo sự thống nhất; việc thu, chi sẽ được công khai, minh bạch, tránh lạm thu.