Trong ngày làm việc thứ 2 (ngày 7-12) tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV, tại 4 tổ thảo luận, các đại biểu (ĐB) đã tập trung thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề, nội dung xung quanh các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp.
Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến thảo luận.
Đại biểu thảo luận tại Tổ 4. |
Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024:
Cơ bản các ĐB đều thống nhất đánh giá cao công tác điều hành của tỉnh. Tuy vậy, đối chiếu với mục tiêu đề ra thì còn nhiều chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch đề ra.
ĐB Dương Xuân Hùng (Tổ đại biểu TP. Sông Công) cho rằng: UBND tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024, nhất là 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra trong năm 2023.
ĐB Phạm Thái Hanh (Tổ đại biểu huyện Định Hóa) đề nghị: UBND tỉnh bổ sung giải pháp nhằm khắc phục hạn chế được chỉ ra trong Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ chưa cao.
Đối với những chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, ĐB Nguyễn Ngọc Hưng (Tổ đại biểu huyện Đại Từ) đề nghị làm rõ nguyên nhân thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội mới đạt 41%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 3%.
ĐB Lê Thị Thu An (Tổ đại biểu TP. Thái Nguyên) nhấn mạnh: Việc giải ngân vốn đầu tư công đến tháng 11-2023 mới đạt trên 60%, đề nghị có giải pháp quyết liệt, nhất là trong thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn.
Về nội dung này, ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng: Từ kết quả phân tích các điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là cơ sở để xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Công nghiệp là động lực chính phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tuy nhiên, năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn do nhu cầu của những thị trường xuất khẩu chủ chốt suy giảm. Tình hình chính trị, kinh tế quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường...
Năm 2024, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 7,5%, tỉnh cần có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai đi vào hoạt động; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là với các dự án FDI.
Đại biểu thảo luận tại Tổ 3. |
Về phát triển du lịch, nhiều ĐB cho rằng được xác định là ngành có nhiều tiềm năng, được quan tâm đầu tư, tuy nhiên, thực tế đóng góp của ngành Du lịch còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
ĐB Trần Văn Khương (Tổ đại biểu huyện Võ Nhai) phân tích: Trên địa bàn tỉnh đầu tư các mô hình du lịch còn manh mún, chưa có bản sắc riêng, hấp dẫn để thu hút và níu chân du khách. Do vậy, tỉnh cần đầu tư có trọng điểm, xứng tầm.
ĐB Hà Thị Bích Hồng (Tổ đại biểu huyện Võ Nhai) bổ sung: Địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư, không thể triển khai đồng bộ các nội dung trong quy hoạch, đề án phát triển du lịch.
ĐB Nguyễn Thị Hải (Tổ đại biểu huyện Đại Từ) phân tích: Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề chè sẽ phát huy thế mạnh, nét đặc sắc của địa phương, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Đề nghị các cấp, ngành và cơ quan chuyên môn quan tâm hỗ trợ về vốn để phát triển hợp tác xã, sản phẩm chè hữu cơ gắn với du lịch; đầu tư mô hình du lịch tương xứng và có bản sắc.
ĐB Phạm Duy Hùng (Tổ đại biểu huyện Đại Từ) nêu quan điểm của địa phương đối với phát triển du lịch là phải làm tốt công tác quy hoạch, ưu tiên thu hút dự án đầu tư có quy mô, nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm. Địa phương chủ động nguồn lực để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có du lịch.
ĐB Nguyễn Ngọc Tuân (Tổ đại biểu huyện Định Hóa) nhấn mạnh: Cần phải có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong việc giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ du lịch.
Đại biểu thảo luận tại Tổ 1. |
Về tờ trình các khoản thu dịch vụ ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, ĐB Nguyễn Quốc Hữu (Tổ đại biểu huyện Phú Lương) nêu: Dự thảo Nghị quyết có quy định khoản thu dịch vụ bán trú “Quản lý, chăm sóc trẻ, học sinh buổi trưa đối với bậc mầm non: Mức thu tối đa 6 nghìn đồng/trẻ/ngày”. Tuy nhiên, đối với bậc mầm non, Thông tư số 48/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, giáo viên mầm non dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
Mặt khác, đối với lớp học 2 buổi/ngày được bố trí tối đa 2 giáo viên/lớp để nhà trường có giáo viên đón, trả trẻ và trực trưa. Thời gian trực trưa đối với giáo viên mầm non giảng dạy trực tiếp và giáo viên mầm non làm công tác quản lý tại trường mầm non được tính trong tổng số giờ được quy định. Như vậy, đối với những trường mầm non bố trí đủ giáo viên theo định mức quy định thì thời gian trực trưa đã nằm trong thời gian làm việc quy định. Còn đối với trường thiếu giáo viên theo định mức thì xem xét cho hưởng tiền làm thêm giờ. Đề nghị xem xét không thu khoản này.
ĐB Nguyễn Thị Quốc Hòa (Tổ đại biểu TP. Thái Nguyên) cho rằng: Riêng quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập là rất cần thiết, là căn cứ để thực hiện thu, đảm bảo sự thống nhất, công khai, minh bạch, tránh được tình trạng lạm thu...
Về giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri:
ĐB Kiều Thị Thao (Tổ đại biểu huyện Phú Bình) đề nghị: UBND tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, trong đó có Di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Mai Sơn, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình hiện đã xuống cấp nghiêm trọng; tiếp tục rà soát lắp đặt các biển báo giao thông tại nút giao giao đường Việt Bắc, thuộc địa bàn phường Tích Lương, TP. Thái Nguyên, nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
ĐB Dương Xuân Hùng (Tổ đại biểu TP. Sông Công) và ĐB Nguyễn Viết Đài (Tổ đại biểu huyện Phú Bình) đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ và khảo sát, xác định cụ thể vị trí, diện tích khu vực dân cư tập trung trong phạm vi không gian thoát lũ trên địa bàn huyện Phú Bình, TP. Sông Công để nhân dân ổn định đời sống, sản xuất...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin