Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, đem lại nền hoà bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này thể hiện tư duy sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng, bước phát triển vượt bậc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật chủ động tạo thời cơ, chớp thời cơ, tấn công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, giành thắng lợi trọn vẹn, kết thúc cuộc kháng chiến.
Quyết tâm chiến lược
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đầu năm 1973 đã mở ra cơ hội lớn cho quân và dân Việt Nam tiến lên “đánh cho Ngụy nhào”. Hội nghị Trung ương (7-1973) đã khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”.
Hội nghị xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là đẩy mạnh đấu tranh trên 3 mặt trận: Chính trị, quân sự, ngoại giao; nhiệm vụ của miền Bắc là ra sức chi viện cho chiến trường, phục hồi kinh tế, làm cho miền Bắc luôn là chỗ dựa vững chắc của cách mạng miền Nam nhằm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau hội nghị này, ta mở một số trận đánh thăm dò quân địch, trong đó đã tiêu diệt chi khu quân sự Thượng Đức ở Khu 5. Đánh giá tình hình sau chiến thắng Thượng Đức, Hội nghị Bộ Chính trị (từ 30-9 đến 9/10/1974) khẳng định: “Chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn…”.
Hội nghị dự kiến “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bộ Chính trị tiếp tục bàn kế hoạch giải phóng miền Nam. Giữa lúc Hội nghị đang họp thì ngày 6/1/1975, tỉnh Phước Long được giải phóng. Chiến thắng Phước Long mở ra cơ hội mới, Hội nghị quyết định thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Hội nghị nhắc lại dự kiến “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Ngày 31/3/1975, sau khi Đà Nẵng được giải phóng, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975. Đến ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu và kết thúc thắng lợi ngày 30/4/1975.
Xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến
Thực hiện chủ trương tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam của Đảng, công tác xây dựng lực lượng kháng chiến lớn mạnh về mọi mặt được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung thực hiện. Trong đó, tổ chức Đảng được củng cố và tăng cường, đến đầu năm 1975, các tỉnh từ Khu 6 trở vào có 7.717 chi bộ với 100.990 đảng viên.
Lực lượng vũ trang 3 thứ quân phát triển, các quân đoàn quân chủ lực - "quả đấm thép" của lực lượng vũ trang được thành lập trên những địa bàn chiến lược. Các đơn vị cấp sư đoàn, trung đoàn được củng cố. Các quân chủng Phòng không-Không quân và Hải quân, các binh chủng Pháo binh, Thiết giáp, Đặc công, Công binh, Thông tin phát triển đồng bộ theo phương hướng tác chiến hợp đồng binh chủng, quy mô lớn. Bên cạnh đó, bộ đội địa phương, dân quân du kích phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Công tác bảo đảm hậu cần được thực hiện hết sức khẩn trương, hàng hóa vật chất, vũ khí, thuốc men từ miền Bắc chuyển vào miền Nam tăng nhanh. Trong hai năm 1973-1974, khoảng 379 nghìn tấn hàng hóa, bằng 54% tổng khối lượng trong 16 năm trước đó được chuyển từ miền Bắc vào miền Nam.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, hơn 80% quân số, 81% vũ khí, 60% xăng dầu, 65% thuốc men, 85% xe vận tải được đưa từ miền Bắc vào. Cùng với đó, hệ thống đường vận tải chiến lược được củng cố, tăng cường bảo đảm cung cấp cho các chiến trường.
Tấn công thần tốc, giành thắng lợi trọn vẹn
Thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam của Đảng, trong tháng 3/1975, quân và dân ta mở liên tiếp các chiến dịch quân sự tấn công địch trên các vị trí chiến lược quan trọng. Mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột (11/3), làm rung động toàn bộ hệ thống phòng ngự, thế bố trí chiến lược của địch.
Trong khi chiến dịch Tây Nguyên còn đang tiếp diễn, quân và dân ta mở ngay chiến dịch Huế-Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh Trung Trung Bộ. Đến đầu tháng 4, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã 2 quân đoàn, 2 quân khu của địch, giải phóng hoàn toàn 16 tỉnh Tây Nguyên và Trung Trung Bộ, từ Quảng Trị trở vào đến Khánh Hòa.
Sau các chiến dịch giải phóng các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung, quân và dân cả nước tập trung cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, với khí thế “thần tốc, táo bạo", 5 cánh quân tiến từ 5 hướng tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ngày 1/5/1975, toàn bộ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các đảo ven bờ và hải đảo ngoài khơi do quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ đã được hoàn toàn giải phóng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là đỉnh cao về nghệ thuật quân sự của Đảng, quân đội và nhân dân ta. Trong đó, quyết tâm chiến lược thể hiện tầm tư duy chiến lược sắc bén của Đảng; việc tổ chức thực hiện với những chiến dịch quân sự, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam của quân và dân ta là yếu tố quyết định.