UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch về việc “Duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (CCHC - Par Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Sipas) tỉnh Thái Nguyên năm 2022”.
Kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu, phân công nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao 2 chỉ số nêu trên. Trong đó, mục tiêu chính là duy trì và nâng cao kết quả những tiêu chí, tiêu chí thành phần có điểm số cao; khắc phục những tiêu chí, tiêu chí thành phần bị mất điểm hoặc có điểm số thấp.
Thái Nguyên phấn đấu trong năm 2022, Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh tăng cả về điểm số, thứ hạng so với năm 2021 và 2 chỉ số có điểm số đạt từ 90% giá trị trở lên. Trên cơ sở kết quả của năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan chủ trì các nội dung, lĩnh vực của Chỉ số Par Index, Chỉ số Sipas đánh giá đúng thực trạng, kết quả thực hiện các nội dung liên quan và chủ động, tích cực tham mưu thực hiện; đề ra các giải pháp, biện pháp cụ thể, tổ chức triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả (tăng điểm số, tăng thứ hạng) các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần của chỉ số thuộc trách nhiệm của ngành…
UBND tỉnh cũng đưa ra yêu cầu thực hiện các mục tiêu của năm 2022 về từng lĩnh vực, tiêu chí. Cụ thể: Tối thiểu có 3 sáng kiến trong công tác CCHC, giải pháp được công nhận phạm vi ảnh hưởng; hoàn thành 100% nhiệm vụ tại Kế hoạch CCHC năm 2022 và thực hiện đảm bảo hiệu quả, chất lượng; 100% số vấn đề qua kiểm tra được xử lý hoặc kiến nghị xử lý; 100% số văn bản quy phạm pháp luật đã được xử lý/kiến nghị xử lý; phấn đấu tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận được giải quyết đúng hạn bình quân toàn tỉnh, tối thiểu đạt từ 99,9% trở lên; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100% (đối với thủ tục hành chính tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh từ ngày 01/6/2022; đối với thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 01/12/2022).
Kế hoạch cũng nêu rõ, trong năm 2022, toàn tỉnh đạt tối thiểu 50% số TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến so với tổng số TTHC đang cung cấp trực tuyến; tối thiếu 55% hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến so với tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trong năm của các TTHC được công bố cung cấp; bình quân toàn tỉnh đạt tối thiểu 50% số TTHC có phát sinh hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích (tiếp nhận/trả kết quả hoặc cả hai) so với tổng số TTHC đang triển khai thực hiện qua dịch vụ này…