Đồng Hỷ là huyện miền núi có trên 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu... Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Đề án 06), Công an huyện Đồng Hỷ đã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp để đưa Đề án quan trọng này đến với người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cán bộ Công an xã Văn Lăng hướng dẫn bà con xóm Khe Mong đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến. |
Thượng tá Trần Văn Lịch, Phó Trưởng Công an huyện Đồng Hỷ, cho biết: Với chức năng là cơ quan thường trực Đề án 06 huyện, đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền. Đồng thời mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. Trong đó tập trung vào các nhóm tiện ích của Đề án, bao gồm: Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xác thực, tạo lập tài khoản điện tử cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương; thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, do một số xóm, xã vùng sâu, vùng xa có đường truyền Internet, sóng điện thoại còn hạn chế nên việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công và khai thác, sử dụng các tiện ích của Đề án 06 chưa đạt hiệu quả cao. Thêm nữa, một số người dân không sử dụng sim điện thoại chính chủ và chưa sử dụng điện thoại thông minh nên chưa thể đăng ký tài khoản dịch vụ công.
Văn Lăng là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%, trong đó đồng bào Mông chiếm 1/3 dân số, sinh sống chủ yếu ở các xóm: Bản Tèn, Mỏ Nước, Văn Lăng, Liên Phương và Khe Cạn.
Do trình độ dân trí không đồng đều nên việc tiếp cận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Nhiều công dân chưa nắm được lợi ích và tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, vẫn có thói quen trực tiếp đến các cơ quan để thực hiện thủ tục hành chính.
Đại uý Ngô Mạnh Hùng, Trưởng Công an xã Văn Lăng, chia sẻ: Một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Đề án 06 là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Dữ liệu dân cư, mã định danh cá nhân là nền tảng triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Vì vậy, trong quá trình triển khai, Công an xã đi đến từng nhà, xóm, bản tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung, quy trình, những lợi ích, hiệu quả của tài khoản định danh điện tử để người dân nâng cao nhận thức, tự giác đăng ký thực hiện; đồng thời tích cực triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho nhân dân.
Trung tá Vũ Thị Thuỷ, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Đồng Hỷ, cho biết: Lực lượng Công an huyện thực hiện cấp lưu động tại các xã, thị trấn, song hành với việc cấp đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip. Công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ cá nhân, như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an sẽ tự động xác thực và tích hợp hiển thị thông qua ứng dụng VNEID với các tính năng bảo mật tuyệt đối trên điện thoại thông minh của công dân.
Nhờ vậy, công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có nhiều lợi ích, tiết kiệm thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công mà không cần phải trực tiếp đến các cơ quan hành chính…
Tính đến ngày 10-12, Công an huyện Đồng Hỷ đã cấp được trên 10.000 tài khoản định danh mức độ 1, gần 15.000 tài khoản định danh mức độ 2 và đang tiếp tục triển khai thực hiện chỉ tiêu theo kế hoạch, góp phần tạo chuyển biến, đột phá trong chuyển đổi số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin