"Làm tốt công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là thủ tục hành chính (TTHC), sẽ góp phần quan trọng quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đồng thời thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), tạo động lực cho sự phát triển". Với quan điểm như vậy, thời gian qua, Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh luôn chú trọng nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, tạo sự cởi mở, thông thoáng, tin cậy với các nhà đầu tư khi tìm hiểu và thực hiện dự án.
Đại diện tổ chức, doanh nghiệp đến làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của BQL các KCN tỉnh. |
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó trưởng BQL các KCN tỉnh, thông tin: Trong năm 2022, BQL tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, tăng cường đối thoại, hướng dẫn cụ thể về các thành phần hồ sơ, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC phục vụ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư vào các KCN. Bên cạnh đó, chúng tôi tích cực tham mưu với lãnh đạo tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp và tổ chức, hiệp hội trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Trong năm 2022, BQL đã tiếp hơn 50 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN của tỉnh; thu hút được 16 dự án đầu tư, cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư đạt trên 1,527 tỷ USD và 1.283 tỷ đồng (xếp thứ 6 của cả nước về thu hút đầu tư FDI, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm). |
Với những nỗ lực đó, lũy kế đến nay, các KCN của tỉnh có 269 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó có 136 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 10,454 tỷ USD và 133 dự án DDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 16.414 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN luôn được hỗ trợ kịp thời, chính sách thu hút đầu tư linh hoạt. Điều này đã giúp Thái Nguyên vươn lên trở thành tỉnh xếp thứ 11 của cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Có được những con số ấn tượng như vậy, công tác CCHC đóng góp một phần quan trọng. Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, BQL các KCN tỉnh đã xây dựng kế hoạch CCHC. Lãnh đạo Ban thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác CCHC trong các cuộc họp giao ban, xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác CCHC tại một số phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc. Ban đã cử 4 cán bộ tham dự các lớp tập huấn về CCHC, cập nhật thông tin, hướng dẫn, quy định mới để từ đó tham mưu, áp dụng trong đơn vị.
Để lan tỏa, tuyên truyền sâu rộng các nội dung thuộc lĩnh vực CCHC, BQL các KCN đã phối hợp với Công đoàn các KCN tỉnh tổ chức thi trực tuyến "Tìm hiểu về CCHC năm 2022”, với sự tham gia của hơn 500 lượt thí sinh. Cuối năm 2022, Ban triển khai thí điểm lắp đặt hệ thống loa truyền thanh thông minh tại KCN Sông Công II để phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, CCHC, thông tin về thu hút đầu tư… trong cộng đồng công nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Hay ngay từ đầu năm 2022, Ban triển khai "Xây dựng bản đồ số 3D KCN Sông Công II và phần mềm quản lý hạ tầng các KCN tỉnh Thái Nguyên", phục vụ công tác quản lý và thông tin nhanh chóng, thuận lợi giữa BQL và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn…
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Ban xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm soát TTHC. Đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị và những TTHC mới ban hành hoặc có sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, Ban chủ động rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa. Theo đó, có 2 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng và lĩnh vực quản lý đầu tư đã được rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Trong năm, Ban đã tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ TTHC thuộc 5/6 lĩnh vực công tác theo thẩm quyền. Kết quả đã giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt trên 97%, còn lại đang trong thời gian xử lý. Đồng thời hoàn thành 169/171 nhiệm vụ do lãnh đạo UBND tỉnh giao, đạt 98,83%, còn lại đang đang triển khai trong thời hạn. Ban cũng chủ động rà soát, điều chỉnh hợp lý quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ; quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức để giải quyết công việc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông.
Bên cạnh đó, BQL các KCN tỉnh cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các thông tin về đầu tư, cơ chế chính sách… được cung cấp đầy đủ theo quy định; không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ trên trên trang thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nghiêm túc thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, của tỉnh...
"Những kết quả trên cho thấy nỗ lực và quyết tâm của BQL các KCN tỉnh. Tuy nhiên, để không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng CCHC, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tổ chức, doanh nghiệp cũng như của tỉnh, thời gian tới, BQL các KCN tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: hoàn thiện cơ sở vật chất, bố trí nhân lực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC; nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ; hoàn thiện phần mềm Bản đồ số 3D tại KCN Sông Công II, đưa vào hoạt động chạy thử 2 phần mềm quản lý hạ tầng kỹ thuật và phần mềm quản lý thông tin KCN; ban hành danh mục hồ sơ lưu trữ điện tử, số hoá kết quả giải quyết TTHC…" - ông Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin