Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022 đã được đánh giá, xếp hạng. Nhìn vào kết quả công bố có thể nhận thấy, bên cạnh sự quyết liệt của một số sở, ngành, địa phương và các chỉ số thành phần được cải thiện, còn có những chỉ số, đơn vị được đánh giá thấp, giảm so với năm trước.
Người dân đến đăng ký thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. |
Chuyển biến cả lượng và chất
Nếu như năm 2021, Chỉ số CCHC chung của toàn tỉnh đạt 77,9 điểm, thì năm 2022 đạt 78,316 điểm (tăng 0,416 điểm). 7/19 đơn vị có chỉ số CCHC cao hơn năm 2021 là các sở, ngành, đơn vị: Công Thương, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra tỉnh, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh. Trong đó, Thanh tra tỉnh có giá trị điểm số tăng cao nhất với 14,15 điểm.
Theo thống kê, có 5/7 chỉ số thành phần cho kết quả giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2021. Trong đó, tăng cao nhất là chỉ số thành phần Cải cách tổ chức bộ máy hành chính (với 93,38%, tăng 8,56% so với năm 2021), tiếp đó là chỉ số Cải cách thể chế (với 83,74%, tăng 7,72%); chỉ số Cải cách thủ tục hành chính (tăng 3,5%)...
Riêng về chỉ số Cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Ban Dân tộc tỉnh và Sở Công Thương là 3 đơn vị đạt chỉ số thành phần cao nhất, lần lượt là 95,53%, 95,14% và 95,10%. Đặc biệt, có tới 18/19 sở, ngành đạt chỉ số thành phần trên 90%, trong khi năm 2021 chỉ có 5 đơn vị đạt được mức này.
Còn đối với chỉ số thành phần Cải cách thủ tục hành chính ở các địa phương cũng có sự thay đổi tích cực với 77,78% (tăng 2,78% so với năm 2021). Trong đó, đứng tốp đầu khối UBND cấp huyện là 2 địa phương miền núi, vùng cao là Định Hóa (đạt 90,63%) và Võ Nhai (đạt 89,06%).
Kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 của các sở, ban, ngành. |
Qua phân tích, so sánh giá trị chỉ số thành phần của từng sở, ngành, địa phương cho thấy, có 14/19 sở có giá trị chỉ số thành phần tăng so với năm 2021; 5/9 huyện, thành phố có giá trị chỉ số thành phần tăng. Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị có kết quả tăng cao nhất với 16,46% (từ 48,57% lên 65,03%). Tiếp theo là Thanh tra tỉnh có giá trị tăng 15,26% (từ 59,05% lên 74,31%).
Đối với cấp huyện, UBND TP. Thái Nguyên có kết quả chỉ số thành phần tăng cao nhất với 21,87% (từ 60,94% lên 82,81%). Tiếp theo là TP. Phổ Yên và huyện Đồng Hỷ đều tăng trên 7%.
Kết quả trên cho thấy các đơn vị, địa phương đã có sự nỗ lực lớn, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm cải thiện các chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số CCHC.
Cũng trong năm qua, nhiều sáng kiến CCHC đã được công nhận và áp dụng, đem lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như Sở Thông tin và Truyền thông với giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ an sinh xã hội; Sở Nội vụ với giải pháp sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế đối với đơn vị sự nghiệp…
Nhiều chỉ số cần khắc phục, cải thiện
Nhìn vào bảng xếp hạng cho thấy trong khối các sở, ban, ngành, khoảng cách giữa đơn vị cao nhất và thấp nhất khá xa, và kéo giãn hơn so với năm 2021. Năm 2022, khoảng cách này là 27,28 điểm, tăng 2,18 điểm so với năm 2021. Và nếu như năm 2021 có đơn vị đạt trên 90 điểm thì năm 2022 lại không có đơn vị nào (kể cả khối các địa phương) đạt được điểm số này.
Ở các chỉ số thành phần, trái ngược với kết quả tăng của các chỉ số khác thì hai chỉ số có giá trị giảm khá sâu so với năm 2021 là Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC (giảm 8,27%) và Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số (giảm 8,32%).
Kết quả đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2022 của các huyện, thành phố. |
Đối với UBND các huyện, thành phố, giá trị trung bình của Chỉ số CCHC năm 2022 đạt 75,96 điểm, giảm 5,01 điểm so với năm 2021 (đạt 80,97 điểm). Ngoại trừ TP. Thái Nguyên có điểm số tăng cao với giá trị điểm số tăng là 26,39 điểm thì các địa phương còn lại đều giảm điểm so với năm 2021. Trong đó, đơn vị có số điểm giảm nhiều nhất là TP. Sông Công (giảm 10,71 điểm), kết quả này khiến thành phố giảm 6 bậc, từ vị trí thứ 3 (năm 2021) xuống vị trí thứ 8 (năm 2022).
Năm 2022, đối với khối UBND cấp huyện không có địa phương nào bứt phá đạt trên 90 điểm, chỉ có TP. Thái Nguyên đạt trên 80 điểm. Trong khi đó, năm 2021 có tới 6 địa phương đạt kết quả trên 80 điểm. Huyện Đồng Hỷ là địa phương có năm thứ hai liên tiếp đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng với 67,77 điểm.
Trong tổng số 8 tiêu chí thành phần đánh giá về công tác CCHC đối với UBND cấp huyện trong năm 2022, chỉ có chỉ số đánh giá về Cải cách thủ tục hành chính là có giá trị tăng (tăng 2,78%). Các chỉ số thành phần khác đều có giá trị giảm so với năm 2021, trong đó giảm nhiều nhất là chỉ số Tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội (giảm 19,12%); tiếp đến là chỉ số Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC (giảm 12,56%); chỉ số Cải cách tài chính công (giảm 8,4%); chỉ số Cải cách tổ chức bộ máy hành chính (giảm 7,26%)...
Trên cơ sở kết quả Chỉ số CCHC năm 2022 đã được công bố, bên cạnh việc bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Chương trình CCHC Nhà nước của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch CCHC tỉnh Thái Nguyên năm 2023, các sở, ngành, địa phương đang khẩn trương tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm về quá trình thực hiện theo từng lĩnh vực, tiêu chí thành phần.Từ đó xác định rõ những tồn tại, hạn chế để xây dựng kế hoạch duy trì, cải thiện, nâng cao hiệu quả CCHC năm 2023.
Chỉ số CCHC cấp sở, ngành gồm có 7 nội dung, được cấu tạo bởi 37 tiêu chí đánh giá. Tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó có 23 điểm điều tra xã hội học, 77 điểm tự chấm/thẩm định, gồm: - Công tác chỉ đạo, điều hành - Cải cách thể chế - Cải cách thủ tục hành chính - Cải cách tổ chức, bộ máy - Cải cách chế độ công vụ - Cải cách tài chính công - Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số * Đối với cấp huyện, ngoài 7 tiêu chí thành phần trên còn có thêm nội dung đánh giá tác động của công tác CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội, với tổng số 42 tiêu chí đánh giá. Trong đó có 25 điểm điều tra xã hội học, 75 điểm tự chấm/thẩm định. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin