Với tổng điểm 66,1, năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 3 bậc (1,29 điểm) so với năm 2021 và nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất… Tuy nhiên, so với mục tiêu nằm trong nhóm 10 địa phương tốt nhất cả nước thì kết quả này chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nhằm phân tích rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh.
Thông qua các cuộc đối thoại, nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp dần được tháo gỡ. Trong ảnh: Một hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do Sở Tài chính tổ chức năm 2022. |
P.V: Ông đánh giá như thế nào về sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với cộng đồng DN trong thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2022 đến nay?
Ông Nguyễn Văn Thời: Thời gian qua, cộng đồng DN gặp rất nhiều khó khăn, khi chưa kịp phục hồi sau đại dịch, đã phải chống chọi với khủng hoảng kinh tế, lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ… Bù lại, chúng tôi đã liên tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền tỉnh.
Ngay từ những ngày đầu năm mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thăm, động viên, khích lệ nhiều DN, người lao động. Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, nhiều hính sách hỗ trợ được các cấp, ngành triển khai kịp thời, mang lại lợi ích nhất định cho DN.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, trong năm 2022, hầu hết các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đều tổ chức đối thoại với DN. Thông qua các hội nghị này, nhiều vướng mắc, khó khăn của DN được lắng nghe, ghi nhận và giải đáp. Cộng đồng DN đánh giá rất cao tinh thần đồng hành, hỗ trợ của chính quyền tỉnh Thái Nguyên đối với các DN.
P.V: Đã có nhiều góp ý của DN đối với tỉnh về vấn đề nâng cao Chỉ số PCI trong năm qua. Vậy hiệu quả mang lại ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thời: Trong những kiến nghị của Hiệp hội DN, cũng như ý kiến của DN tại các hội nghị đối thoại, đều mong muốn Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mà khâu trọng yếu nhất là thái độ, đạo đức công vụ của các cán bộ, công chức.
Năm 2022, Chỉ số PCI đã có sự thay đổi rõ rệt, khi chỉ còn 24% DN được hỏi cho biết, cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ. Tương tự, có khoảng 22% DN cho biết lo ngại về thủ tục rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu… Đây là những nhân tố quan trọng tạo nên bước đột phá, đưa chỉ số thành phần Tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất của tỉnh Thái Nguyên bứt phá ngoạn mục, đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng.
Hay như chỉ số thành phần Gia nhập thị trường cũng thăng hạng rất tốt. Năm 2021, Thái Nguyên được 6,83 điểm, xếp thứ 33, đến năm 2022 đã tăng lên 7,45 điểm, xếp thứ 5. Có tới 97% DN được khảo sát cho biết hài lòng về việc các thủ tục tại bộ phận một cửa được niêm yết công khai. Tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng tăng…
Cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh là một trong những chỉ số thành phần được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tốt. Trong ảnh: Cầu Mo Linh 2 (thuộc Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên) với số vốn đầu tư trên 114 tỷ đồng đang được hoàn thiện. |
P.V: Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, theo ông, còn có những nội dung nào tỉnh cần đặc biệt quan tâm cải thiện trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Thời: Trong số 10 chỉ số thành phần của PCI, tôi đặc biệt quan tâm đến nội dung Chính sách hỗ trợ DN. Năm 2022, chỉ tiêu này không những bị giảm điểm mà còn xếp thứ 52/63. Điều này phản ánh tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Thái Nguyên đang kém hấp dẫn so với nhiều địa phương khác về mặt hỗ trợ DN.
Theo kết quả khảo sát PCI năm 2022, một số DN cho rằng, chất lượng cung cấp thông tin liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của một số cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Chưa nhiều DN biết đến các chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội của các FTA… Rõ ràng, đây là những phản hồi mà tỉnh hoàn toàn có thể cải thiện được rất nhanh chóng và mang lại hiệu quả thiết thục, bền vững; thông qua cách thức thực sự đào tạo cho DN, thay vì chỉ cung cấp thông tin như hiện nay.
Ngoài ra, theo tôi, các vướng mắc của DN cần được chính quyền giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn. Để thu hút nhà đầu tư tốt hơn trong bối cảnh cạnh tranh giữa các địa phương, những chỉ số thành phần ở thứ hạng thấp cần tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, như: Chi phí thời gian; Tính minh bạch; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động… Chỉ tiêu Đào tạo lao động để tụt hạng năm vừa qua cũng rất đáng tiếc, cần nhanh chóng lấy lại thứ hạng cao ở chỉ tiêu vốn là thế mạnh của tỉnh.
P.V: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2022, nhiều sở, ngành địa phương đã tổ chức đối thoại với DN? Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả và giải pháp nâng cao nội dung này trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Thời: Từ đầu năm 2023 đến nay, theo cách rất nhanh chóng và hiệu quả, chúng tôi đã được đối thoại với ngành Ngân hàng tỉnh để tháo gỡ khó khăn về tín dụng; đối thoại với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh về chính sách lao động, bảo hiểm. Qua đó, nhiều vướng mắc của DN dần được tháo gỡ.
Cộng đồng DN đánh giá rất cao các buổi đối thoại, nên hiện chúng tôi đang tiếp tục tập hợp những đề xuất, kiến nghị của DN để đề nghị đối thoại với các sở, ban, ngành trong thời gian tới.
Để đối thoại hiệu quả, theo tôi cần các yếu tố: Thẳng thắn, thực chất, thay vì hình thức. Đối với các vụ việc khó, phức tạp, cần có sự phối hợp giải quyết của nhiều sở, ban, ngành, thì mỗi bên cần có tâm thế “nhận lấy trách nhiệm về mình”, nhiệt tình thật sự, nỗ lực thật sự để tìm ra giải pháp. Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo giải quyết sát sao của UBND tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN…
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin