Xây dựng đón đền bù: Cần quyết liệt ngăn chặn, tránh hệ lụy

07:30, 28/02/2022

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên về nội dung liên quan đến tình trạng xây dựng đón đền bù - vấn đề luôn “nóng” trong giai đoạn hiện nay, ông Phạm Bình Công, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tỉnh) đã khẳng định như vậy. 

P.V: Tình trạng xây dựng đón đền bù xảy ra phổ biến trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, ở nhiều địa phương và các dự án lớn, nhỏ. Ở góc độ cơ quan chuyên môn, ông nhận định như thế nào về tình trạng này?

Ông Phạm Bình Công: Chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng này đã và đang phổ biến. Việc người dân xây mới, cơi nới các công trình nhằm mục đích đón đền bù không phải cá biệt ở địa phương hay riêng dự án nào mà xảy ra ở nhiều nơi. Dễ nhận thấy nhất hiện nay là tại Dự án đường liên kết, kết nối vùng (đoạn qua T.X Phổ Yên) hay trước đó là tại khu vực mở rộng bãi đổ thải của Mỏ than Khánh Hòa hoặc nhiều dự án khác tại T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, huyện Phú Bình…

Ở những nơi mà chính quyền cơ sở thiếu sâu sát, thiếu quyết liệt thì tình trạng này càng phổ biến, khó kiểm soát. Ngoài ra, không chỉ các hộ dân địa phương trực tiếp xây dựng, cơi nới mà còn không hiếm trường hợp đối tượng ở nơi khác đến thỏa thuận, cùng đầu tư đón đền bù. 

P.V: Những biểu hiện của công trình xây dựng đón đền bù là gì, thưa ông?

Ông Phạm Bình Công: Những dấu hiệu dễ nhận thấy khi một công trình xây dựng, cơi nới nhằm đón đền bù thường là: Triển khai trong giai đoạn, thậm chí là sau khi đã công bố phê duyệt dự án; tiến hành rất nhanh, làm gấp rút, có khi thi công cả vào ban đêm; xây dựng có tính chất tạm bợ, vật liệu thường là những loại đắt tiền; không đúng công năng hoặc vượt quá nhu cầu sử dụng của chủ nhân…

Đặc biệt gần đây, khi kiểm tra, chúng tôi còn ghi nhận tại T.X Phổ Yên có tình trạng nhiều hộ gấp rút “tu bổ”, cơi nới cả các ngôi mộ, khu mộ sau khi cơ quan chức năng đã công bố phê duyệt dự án. Điều này gây khó khăn lớn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) vì liên quan đến yếu tố tâm linh. Nếu đồng ý kiểm đếm, phê duyệt đền bù cả phần đã “tu bổ”, cơi nới các khu mộ đó thì giá bồi thường có thể cao gấp 3-4 lần bình thường, nhưng nếu không bồi thường thì dự án sẽ bị vướng mắc, chậm tiến độ. 

P.V: Ngoài việc làm chậm tiến độ các dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (nếu là dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách), ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh, ông có thể cho biết thêm những hệ lụy khác của việc xây dựng đón đền bù?

Ông Phạm Bình Công: Những hệ lụy của tình trạng xây dựng đón đền bù như anh vừa nêu là rất rõ ràng. Nhiều dự án bị chậm tiến độ, vướng mắc kéo dài chủ yếu do GPMB khi người dân đòi hỏi phải được đền bù cả những công trình họ đã xây mới, cơi nới vi phạm.

Có trường hợp chủ đầu tư là doanh nghiệp phải “buông” dự án vì kinh phí GPMB bị "đội" lên quá nhiều so với dự toán ban đầu bởi người dân ồ ạt xây dựng đón đền bù. Khi đó, những người đã xây dựng đón đền bù lại bị thiệt hại vì không được bồi thường (chưa kể, dù chủ đầu tư vẫn tiếp tục triển khai dự án nhưng kéo dài nhiều năm thì người dân vẫn bị thiệt). Vì cần đảm bảo tiến độ dự án, có chủ đầu tư, nhà thầu đã phải chấp nhận “đi đêm”, hỗ trợ ngoài quy định với công trình xây dựng đón đền bù… Cuối cùng thì Nhà nước, xã hội chịu thiệt hại vì dù dự án triển khai bằng nguồn vốn nào thì bản chất kinh phí GPMB vẫn là tiền ngân sách.

Tình trạng xây dựng đón đền bù cũng tạo ra một số hệ lụy về xã hội, nhất là việc khiếu kiện, vì nhiều hộ chấp hành tốt cho rằng họ bị đối xử bất công bằng…

P.V: Vậy chúng ta có thể ngăn chặn triệt để tình trạng này hay không? Và tỉnh Thái Nguyên, cụ thể là Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB, các địa phương và ngành liên quan đã và sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Phạm Bình Công: Trong khi cơ chế, chính sách về bồi thường GPMB vẫn còn những bất cập, có điểm chưa phù hợp thì công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương, của cán bộ xóm, tổ dân phố là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, việc ghi nhận hiện trạng ngay khi công bố quyết định phê duyệt các dự án cần phải đầy đủ, chính xác, chặt chẽ, kịp thời hơn để làm cơ sở xử lý những trường hợp vi phạm, để việc thống kê, kiểm đếm tài sản đảm bảo chính xác.

Hiện tại, Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB tỉnh đang được kiện toàn lại. Chúng tôi sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo sớm tổ chức họp để thống nhất giải pháp cho một số vướng mắc về GPMB tại nhiều địa phương, đồng thời nghiên cứu, xem xét đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định, hướng dẫn công tác bồi thường GPMB trên địa bàn tỉnh, vừa đảm bảo đúng Luật Đất đai vừa phù hợp, chặt chẽ và chi tiết hơn. Đó cũng là giải pháp góp phần ngăn chặn tình trạng xây dựng đón đền bù.

Nói chung, việc ngăn chặn triệt để là rất khó, đòi hỏi các cấp, ngành liên quan vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa nhằm giảm thiểu dần tình trạng này

Xin cảm ơn ông!