Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được các cấp, ngành và cộng đồng xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên quan tâm. Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em của tỉnh về công tác này và việc triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.
100% trẻ em trên địa bàn tỉnh được đến trường đúng độ tuổi. |
P.V: Bà có thể đánh giá khái quát về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em (CS,GD&BVTE), bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu của trẻ em. Các cơ quan, địa phương, gia đình và cộng đồng nghiêm túc, trách nhiệm trong thực hiện quyền trẻ em theo quy định.
Các chính sách xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em; chương trình, kế hoạch, đề án về công tác trẻ em được triển khai thực hiện kịp thời. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em được giữ vững ở mức cao. Đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em ngày càng được quan tâm, nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ từng bước được đáp ứng.
Hiện nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi trong tỉnh được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế; 99,9% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; 100% trẻ 5 tuổi được đến trường; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc; trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm hỗ trợ. |
Tuy nhiên, công tác CS,GD&BVTE của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Một bộ phận trẻ em là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ phúc lợi xã hội, văn hóa, thể thao, giải trí; các quyền cơ bản của trẻ em có nơi chưa được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; vẫn còn tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông.
P.V: Trên địa bàn tỉnh vẫn còn trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vậy thời gian qua tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ như thế nào để các em có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, học tập?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Thái Nguyên hiện còn khoảng 22.000 trẻ em là con hộ nghèo, cận nghèo. Thời gian qua, toàn tỉnh đã quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để hỗ trợ trẻ em nghèo có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, học tập.
Cụ thể, tổ chức các đoàn thăm, tặng quà trẻ em nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6); tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và trao quà, học bổng cho hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức chương trình “Niềm tin cho em”, "Con đường ước mơ" và "Samsung đồng hành" với số tiền hỗ trợ hàng tỷ đồng; tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân vào Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh...
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức SAP-VN khám sàng lọc cho trẻ em và chỉ định phẫu thuật, cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho trẻ em bị khuyết tật hệ vận động; phối hợp với tổ chức The VinaCapital Foundation (VCF), Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện E Hà Nội khám sàng lọc miễn phí bệnh tim bẩm sinh cho gần 10.000 trẻ em, chỉ định can thiệp, phẫu thuật cho hàng trăm trẻ.
Đặc biệt, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao học bổng, xe đạp, sữa tươi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Công ty Samsung Thái Nguyên trao xe lăn cho trẻ em và người khuyết tật... Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện Võ Nhai trao 205 gói đồ ấm cho 205 trẻ ở Trường Tiểu học Sảng Mộc (Võ Nhai) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương đều tổ chức các hoạt động tặng quà, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các trung tâm, cơ sở trợ giúp xã hội và các địa phương nhân dịp Tết Nguyên đán, đầu năm học mới.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). |
P.V: Thực tế vẫn còn nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Vậy trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với công tác phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu với UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh; ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, như: Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2025, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025...
Sở cũng chủ trì tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em sau khi được phê duyệt.
Để góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với các hình thức đa dạng; tiếp nhận và thực hiện tư vấn đối với các cuộc gọi đến đường dây tư vấn miễn phí 1800 8080 của Ngành về nội dung phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; tư vấn can thiệp, hỗ trợ cho các trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó tập trung vào các nội dung về công tác quản lý, lập danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; việc thực hiện các quyền trẻ em, biện pháp phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; vai trò, nhiệm vụ của chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em… Thông qua công tác kiểm tra đã chỉ ra những mặt còn hạn chế, thiếu sót và kiến nghị với các cơ quan chức năng để hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như thực hiện tốt hơn nữa công tác CS,GD&BVTE trên địa bàn.
P.V: Theo bà, để giảm thiểu tối đa nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, cần phải có thêm những giải pháp nào?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Thời gian qua, một số vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em đã xảy ra ở một vài địa phương trong cả nước, gây bức xúc dư luận. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành về công tác bảo vệ trẻ em; đảm bảo thực hiện Luật Trẻ em và các quyền trẻ em một cách đầy đủ, hiệu quả.
Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành trong việc bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em; chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại; tập trung ưu tiên hoạt động truyền thông - giáo dục tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và hộ gia đình có trẻ em thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, người thân, trẻ em bị khuyết tật.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể phát huy tối đa sức mạnh của mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ các thông tin, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở, góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Cùng với đó là khuyến khích người dân trong việc tố giác tội phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật; tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ em, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp, đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên ở các xóm, tổ dân phố; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc sản xuất, xuất bản, lưu hành những ấn phẩm văn hóa không lành mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp cận với những ấn phẩm đó của người dân; xử lý nghiêm minh những trường hợp xâm hại tình dục trẻ em...
P.V: Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch hoạt động như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương: Kế hoạch Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” đã được UBND tỉnh triển khai. Trong đó, tiếp tục triển khai công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động xã hội vì trẻ em, như: Tổ chức đoàn lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, các trường mầm non và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị dị tật vùng hàm mặt; thực hiện phẫu thuật cho trẻ bị khuyết tật hệ vận động; vận động các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh...
Đồng thời tiếp nhận, bàn giao và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao cho trẻ em đảm bảo an toàn, thiết thực, bổ ích, ý nghĩa; vận động, huy động nguồn lực xã hội ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em để tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; rà soát, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi không an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ em...
P.V: Xin cảm ơn bà!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin