Thời tiết mùa Hè là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và dễ lây lan. Trong năm 2023, Thái Nguyên đã từng xuất hiện các trường hợp mắc bệnh bạch hầu (ngoại lai từ tỉnh khác vào Thái Nguyên), trong đó có 1 trường hợp tử vong. Do đó, theo thạc sĩ, bác sĩ (b/s) Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm rất cần được quan tâm.
Nhiều phụ huynh chủ động cho con đi tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
P.V: Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa Hè năm nay?
B/s Hoàng Anh: Cũng giống như các tỉnh khác ở miền Bắc, mùa Hè, thời tiết của Thái Nguyên thường nóng, ẩm. Đặc biệt, mùa Hè năm 2024 được dự báo là nắng nóng bất thường và mưa nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh lây lan, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tiêu chảy do vi-rút Rota, tay - chân - miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do vi-rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản...
Nguy cơ các loại bệnh dễ bùng phát, lây lan thành ổ dịch càng tăng cao khi thời điểm này, tại các tỉnh miền Trung, miền Nam cũng bắt đầu chuyển sang mùa mưa nên nhiều loại bệnh như sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng… có xu hướng tăng mạnh. Khi sự giao lưu, đi lại của người dân từ các tỉnh khác về Thái Nguyên tăng cao, ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh chưa tốt cũng khiến các loại dịch bệnh lây lan trong mùa nắng nóng.
P.V: Tại Thái Nguyên, những bệnh truyền nhiễm nào đã từng xuất hiện với số ca mắc bệnh khá cao trong mùa Hè vừa qua, thưa ông?
B/s Hoàng Anh: Chúng ta đã từng đi qua mùa Hè năm 2022 đáng nhớ. Thời điểm đó, tại Thái Nguyên, dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, nhiều trường hợp trở nặng, phải thở máy; một số ít trường hợp mắc các bệnh lý nền đã tử vong ngay sau khi nhiễm COVID-19. Riêng năm 2023, dù dịch COVID-19 đã lắng xuống, nhưng vẫn ghi nhận trên 5.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó, số ca mắc có xu hướng tăng trong những ngày hè. Từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên chỉ xuất hiện lác đác các trường hợp mắc COVID-19 nhưng không loại trừ, dịch có thể phát sinh mạnh vào mùa Hè. Dù đã được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B từ cuối năm 2023, nhưng COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm cần được kiểm soát nghiêm ngặt.
Ngoài ra, trong mùa Hè năm ngoái, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm cũng có xu hướng tăng cao. Nhiều loại bệnh, 4 tháng đầu năm, số ca mắc chỉ ghi nhận ở 1 hoặc 2 con số, nhưng khi bước vào mùa Hè đã tăng lên 3 con số. Cụ thể, sốt xuất huyết có 393 ca, tăng 285 ca so với năm 2022; tay - - chân - miệng có 470 ca, tăng 205 ca; thủy đậu 668 ca, tăng 149 ca; đau mắt đỏ: 19.645 ca, tăng hàng nghìn ca...
P.V: Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về tính nguy hiểm của các căn bệnh truyền nhiễm?
B/s Hoàng Anh: Hiện nay, có 3 nhóm bệnh truyền nhiễm, trong đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh như: bệnh cúm A-H5N1; dịch hạch; đậu mùa; bại liệt; tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi-rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong như HIV/AIDS, bệnh sốt xuất huyết, bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, liên cầu lợn ở người, quai bị, sốt rét, sốt phát ban, sởi; tay - chân - miệng, thủy đậu, thương hàn, uốn ván, viêm màng não do não mô cầu…
Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh như: giang mai, các bệnh do giun, lậu, đau mắt hột, phong, viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi-rút cốc-xác-ki… và các bệnh truyền nhiễm khác.
P.V: Những khuyến cáo nào cho cộng đồng về việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, thưa ông?
B/s Hoàng Anh: Với sự chủ động tích cực của các cấp, ngành chức năng, nhất là lực lượng y tế từ tỉnh, huyện, đến xã, nhiều năm nay, các dịch bệnh truyền nhiễm tại Thái Nguyên luôn được giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan mà phải luôn nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Với phương châm phòng hơn chống, mọi người nên chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đây là phương pháp đơn giản, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả nhất nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh. Các bệnh lây truyền có thể phòng ngừa bằng vắc-xin như: lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, rubella, thủy đậu, viêm gan virus, viêm não Nhật Bản…
Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong vệ sinh cá nhân thường xuyên để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh; tránh sử dụng thực phẩm không an toàn để ngăn mầm bệnh xâm nhập. Đồng thời, dụng cụ nấu ăn, bếp nên được vệ sinh sạch sẽ trước khi chế biến thực phẩm để hạn chế nguy cơ lây nhiễm gián tiếp mầm bệnh. Chủ động phòng tránh côn trùng truyền bệnh bằng cách sử dụng màn ngủ, hương xua, kem thoa, xịt côn trùng…; giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, khử trùng môi trường xung quanh một cách thường xuyên để phòng tránh bệnh…
Một điều cần lưu ý là khi có các triệu chứng của bệnh truyền nhiễm, nhất là sốt xuất huyết, sởi/rubella thì người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn điều trị kịp thời, đồng thời có biện pháp việc khoanh vùng, xử lý hiệu quả, không để lây lan ra diện rộng…
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin