Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 7): Từ ngày có Đảng

07:18, 14/10/2021

Dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cũng như cả nước, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên phải sống đời cơ cực, lầm than. Cảnh đói khổ, lạc hậu, bị kìm kẹp, bị bóc lột đến tận xương tủy… như “màn đêm” bủa vây những phận người khao khát tự do, vốn có ý chí đấu tranh mãnh liệt. 

Hơn 6 năm sau sự kiện trọng đại - sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập tại La Bằng như ngọn lửa hồng giữa màn đêm lạnh giá, bắt đầu cho những biến chuyển mạnh mẽ của vùng đất Thái Nguyên và góp phần vào sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc.
 
Khuất phục được triều đình nhà Nguyễn và hệ thống quan lại phong kiến ở địa phương, thực dân Pháp khẩn trương thiết lập và hoàn chỉnh bộ máy cai trị, đồng thời ra sức bóc lột bằng sưu cao, thuế nặng và khai thác tài nguyên của nước ta. Dưới ách thống trị tàn bạo của chính quyền thực dân, phong kiến, cuộc sống của nhân dân Thái Nguyên vô cùng cực khổ, điêu đứng. Sử sách còn lưu lại, chỉ tính đến năm 1918, thực dân Pháp đã cướp của nông dân Thái Nguyên trên 80,7 nghìn héc ta đất để lập 24 đồn điền. Chúng duy trì nhiều thứ thuế vô lý, vô nhân đạo, điển hình như thuế đinh, thuế điền. Riêng năm 1931, Thái Nguyên chỉ có hơn 80.000 dân nhưng phải nộp cho chính quyền thực dân trên 286.000 đồng tiền thuế các loại… 
 
Mặc dù chính quyền phong kiến nhanh chóng đầu hàng thực dân Pháp, nhưng người dân Thái Nguyên cũng như cả nước không chịu khuất phục. Tháng 3-1884, ngay khi đặt chân đến Thái Nguyên, người Pháp đã gặp phải sự phản kháng mãnh liệt của đội quân do Nguyễn Quang Khoáng chỉ huy cùng nhiều người dân tham gia đánh du kích. Sau đó, nhân dân Thái Nguyên lại được tập hợp dưới ngọn cờ chống Pháp của Mã Sinh Long; đặc biệt là đã hưởng ứng, hăng hái tiếp tế cho nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Công nhân tại các mỏ trên địa bàn cũng nhiều lần vùng lên đấu tranh, điển hình là cuộc đấu tranh năm 1913 của 300 công nhân mỏ kẽm Làng Hích chống giới chủ cúp lương, đánh đập, sa thải thợ.
 
Trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX tại Thái Nguyên không thể không nhắc đến cuộc khởi nghĩa của binh lính do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo nổ ra vào tháng 8-1917, kéo dài 6 tháng. Nhà Sử học Trần Huy Liệu viết: “Cuộc khởi nghĩa của Thái Nguyên là cuộc khởi nghĩa lớn nhất nổ ra ở Việt Nam trong thời kỳ thế giới đại chiến lần thứ nhất”…
 
Tuy gây ra cho chính quyền thực dân, phong kiến khá nhiều tổn thất, đồng thời cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân ta nhưng phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, binh lính Thái Nguyên cũng như cả nước giai đoạn này đều thất bại. Trong lúc phong trào yêu nước của ta đang bị khủng hoảng đường lối, bộ máy cai trị tàn bạo của thực dân, phong kiến gia tăng bóc lột nhân dân và đàn áp dã man các cuộc đấu tranh, thì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2-1930). Sự kiện vô cùng quan trọng này tao ra bước ngoặt lớn cho cách mạng Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên.
Di tích lịch sử đình Làng Quặng, ở xã Định Biên (Định Hóa), nơi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Đội Cứu quốc quân được hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân - lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: T.L
 
Là vùng đất giầu truyền thống lịch sử, phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến phát triển mạnh, đặc biệt là có số lượng công nhân khá đông, Thái Nguyên được Chi bộ Hải ngoại của Đảng chú ý gây dựng cơ sở. Cụ thể, đồng chí Đặng Tùng, đảng viên, thanh dân tộc Tày quê Cao Bằng được cử về Thái Nguyên hoạt động. Sau khi bí mật về đến Đại Từ, Đặng Tùng tìm đến nhà ông Đường Nhất Quý (ở xã La Bằng) và bắt đầu gây dựng cơ sở cách mạng. Kết quả là đến cuối năm 1936, các đồng chí Đường Nhất Quý, Đường Văn Ngân, Nông Văn Ái, Hoàng Văn Nghiệp được kết nạp vào Đảng, đánh dấu sự ra đời của tổ chức Đảng đầu tiên của tỉnh ở vùng núi hẻo lánh khu vực phía Tây huyện Đại Từ. “Đốm lửa” nhỏ này đã khai quang một chặng đường mới, tạo ra sự chuyển biến về chất của phong trào cách mạng ở Thái Nguyên.
 
Từ La Bằng, đầu năm 1937, đồng chí Đường Nhất Quý đưa đồng chí Đặng Tùng sang xã Phú Thượng (Võ Nhai) gây dựng cơ sở Đảng và phát triển phong trào cách mạng. Và chỉ sau thời gian ngắn, ba thanh niên ở xã Phú Thượng là Chu Văn Tấn, Nông Văn Cần và Lục Văn Đủ được kết nạp vào Đảng. Nhiều thanh niên địa phương hăng hái hoạt động cũng sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng và gia nhập Đảng. Được sự quan tâm của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, từ nửa cuối năm 1938 đến đầu năm 1939, các cơ sở Đảng ở Thái Nguyên được củng cố và phát triển. Tại Võ Nhai, cơ sở Đảng và phong trào cách mạng từ Phú Thượng phát triển rộng ra các xã: Lâu Thượng, Tràng Xá, La Hiên… Riêng số đảng viên ở các cơ sở này đã có gần 30 đồng chí.
 
Phong trào cách mạng ở vùng núi Võ Nhai, Bắc Sơn ngày càng phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở đây và sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ, bất chấp sự đàn áp khốc liệt, tàn bạo của thực dân Pháp. Căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai trở thành một trung tâm quan trọng của cách mạng cả nước, nơi nhiều yếu nhân của Đảng (như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ…) trực tiếp lãnh đạo, hoạt động.
 
Trên cở sở đó, đúng 80 năm trước, ngày 15/9/1941, dưới tán rừng Khuôn Mánh (thuộc xã Tràng Xá ngày nay) Trung đội Cứu quốc quân II, đội quân cách mạng đầu tiên của tỉnh được thành lập gồm 47 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy. Sự ra đời và những chiến công liên tiếp của Cứu quốc quân II  đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân trong và ngoài huyện, khiến kẻ địch hốt hoảng đối phó.
 
Cùng với Đại Từ, Võ Nhai, phong trào cách mạng ở các địa phương khác như Định Hóa, Đồng Hỷ, đặc biệt là ở Phổ Yên, Phú Bình cũng ngày càng phát triển; phong trào cách mạng không những có sự liên kết chặt giữa các địa phương trong tỉnh mà còn với các tỉnh lân cận. Nhân dân nhiều nơi nổi dậy chống lại ách áp bức của chính quyền thực dân, phong kiến. Các cơ sở của Đảng cũng không ngừng được mở rộng. Từ nền tảng đó, năm 1943, Trung ương quyết định lựa chọn vùng tiếp giáp của ba huyện là Hiệp Hòa (Bắc Giang), Phổ Yên và Phú Bình để xây dựng thành khu vực an toàn gọi tắt là ATK 2…
 
Sang đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Võ Nhai và nhiều địa phương khác trong tỉnh ngày càng lên cao dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, sự hoạt động tích cực của tổ chức Việt Minh, của lực lượng Cứu quốc quân II. Đêm 20, rạng sáng 21/3/1945, lực lượng Cứu quốc quân cùng đông đảo quần chúng đã đánh chiếm và giải phóng châu lỵ La Hiên, thành lập chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh. Tiếp nối khí thế đó, đến đầu tháng 4-1945, toàn huyện Võ Nhai được giải phóng, ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các xã lần lượt ra đời. Trước đó, vào cuối tháng 3-1945, nhiều nơi ở Định Hóa, Đại Từ, Phú Bình cũng được giải phóng, chính quyền về tay nhân dân. Khí thế cách mạng hừng hực khắp nơi và chuyển sang giai đoạn cao trào.
 
Trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945, tại đình Làng Quặng, xã Định Biên Thượng (nay là xã Định Biên, huyện Định Hóa), đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và đội Cứu quốc quân được sáp nhập thành Việt Nam giải phóng quân, đội quân cách mạng chủ lực, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng… 
 
Thời cơ cách mạng đã chín muồi, sau Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), ngày 16/8/1945, một đơn vị Giải phóng quân đã làm Lễ xuất quân tại Tân Trào hướng về giải phóng thị xã Thái Nguyên (lúc này đã được quân Nhật biến thành một cứ điểm mạnh). Quân và dân Thái Nguyên nhất tề nổi dậy khởi nghĩa, cùng với đội quân giải phóng đè bẹp ý chí phản kháng của tướng sĩ quân đội Nhật, tay sai và đội lính bảo an.
 
Chiều 20/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch. Thái Nguyên được giải phóng khỏi chế độ thực dân, phong kiến…
 
Các nhà nghiên cứu lịch sử đều nhận định, Cách mạng Tháng Tám ở Thái Nguyên là một bộ phận quan trọng của cuộc Tổng khởi nghĩa do Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lãnh đạo; là kết quả của quá trình vận động cách mạng lâu dài, đặc biệt là từ khi tổ chức Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời năm 1936. Trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, bất chấp sự khủng bố tàn khốc của kẻ thù, những người cộng sản Thái Nguyên đã kiên trì vận động và lãnh đạo quần chúng nổi dậy đấu tranh để đi đến thắng lợi. Từ đây, chính quyền đã về tay nhân dân, “ánh dương” của Đảng đã xua tan đêm trường nô lệ, mang lại độc lập, tư do,  hạnh phúc cho mọi giai tầng trong xã hội.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng: Địa điểm Di tích nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Chúng tôi luôn tự hào về các bậc tiền bối cách mạng ở vùng đất La Bằng; luôn luôn nỗ lực, phấn đấu để xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương.