Thái Nguyên: 1-6 khởi động Hội thi ''Báo cáo viên giỏi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh''

17:49, 30/05/2007

Từ tháng 3-2007, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thi "Báo cáo viên giỏi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", theo đó, từ 1-6 đến 31-10-2007, Hội thi sẽ diễn ra ở hầu khắp các huyện, thành, thị.

Tại thời điểm này, bước 3 của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" vừa kết thúc, để lại dư âm tốt và khí thế phấn chấn trong đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy, khi tổ chức Hội thi Kể chuyện, cần đẩy lên cao hơn nữa không khí thi đua, tích cực tìm hiểu, tự giác học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác trong đông đảo quần chúng và mọi cán bộ, đảng viên.

Vấn đề quan trọng đối với người tham gia hội thi này là cần chú ý đến khả năng truyền đạt và sự mẫu mực trong đạo đức, phong cách. Các thí sinh phải gắn liền nội dung Hội thi với công việc của mình, sao cho những kiến thức, kinh nghiệm được tích luỹ qua cuộc thi sẽ giúp họ tiếp tục phát huy hơn nữa.

Nội dung câu chuyện và hình thức kể chuyện cũng quan trọng. Người kể chuyện trước hết phải thực sự rung động với câu chuyện mình kể, đồng thời phải có giọng kể, có nghệ thuật biểu cảm. Trong kho tàng các mẩu chuyện về Bác Hồ, nên lựa chọn những câu chuyện gần gũi, sinh động và sâu sắc.

Thái Nguyên là vùng căn cứ địa cách mạng, là "Thủ đô Kháng chiến", nơi Bác Hồ đã từng sống làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời cũng là nơi được vinh dự nhiều lần đón Bác về thăm. Vì vậy, thí sinh nên sưu tầm, những câu chuyện về Bác Hồ với Thái Nguyên. Trong nghệ thuật kể chuyện, người kể chuyện phải thuộc lòng cốt truyện và tuân thủ những ý đồ sáng tạo đã đặt ra, tránh lúng túng hoặc sa đà, kể lể.

Cái cốt của người kể chuyện là lôi cuốn người nghe, đưa họ vào hoàn cảnh của câu chuyện. Khi đã thấy đó là "thực", thì những nội dung của câu chuyện sẽ đi sâu vào tình cảm, làm thay đổi cả nhận thức và hành vi của họ. Theo quy chế Hội thi, có thể kể từ 1 đến 2 câu chuyện trong vòng không quá 20 phút. Nhưng người kể chuyện nên tập hợp một số mẩu chuyện lại thành một câu chuyện, theo một chủ đề, có lời dẫn, nội dung và lời bình (bài học rút ra), thời gian kể không quá 10 phút. Còn lại, có thể sử dụng làm thời gian để minh hoạ, phụ hoạ (nếu có).

Cần phải làm cho Hội thi trở thành một đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng rộng rãi trong nhân dân. Hội thi có thể tổ chức tại cơ sở (nơi đông dân cư); tổ chức thành cụm thi, thành nhiều vòng... sao cho đông đảo quần chúng nhân dân được nghe kể chuyện. Cũng nên tổ chức dưới hình thức "sân khấu hoá" nhằm mềm mại Hội thi.

Ngoài phần kể chuyện và trả lời câu hỏi phụ theo quy định của tỉnh, các đơn vị có thể đưa thêm phần trình bày năng khiếu theo chủ đề ca ngợi Bác (không nên bắt buộc), hoặc giao lưu văn nghệ, phần thi "dành cho khán giả"... Mặt khác, để có nhiều câu chuyện hay, nhiều người kể chuyện hay, nên mở rộng giải thưởng. Ngoài các giải "cứng" mà Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã quy định, tuỳ diễn biến cụ thể của Hội thi và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị mà có thể tăng thêm số lượng, giá trị giải thưởng hoặc trao thêm các giải phụ nhằm khuyến khích người dự thi.