UBND tỉnh Thái Nguyên: Thống nhất quan điểm quy hoạch quản lý, khai thác khoáng sản

08:07, 12/06/2007

Sáng 4-6, tại phiên khai mạc kỳ họp toàn thể UBND tỉnh lần thứ 34, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh các thành viên UBND tỉnh đã đóng góp ý kiến vào 2 bản dự thảo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và quặng sắt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2020.

Hai dự án này do Sở Công nghiệp chủ trì thực hiện, với sự tham gia tư vấn, lập quy hoạch của Viện luyện kim đen, Viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công nghiệp). Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Công nghiệp, đến nay Thái Nguyên đã phát hiện, điều tra, đánh giá, thăm do và khai thác tại 42 mỏ, điểm khoáng sản sắt, với tổng trữ lượng khoảng 47,46 triệu tấn. Trong đó có hai mỏ quặng sắt có tầm quan trọng nhất là mỏ sắt Trại Cau (trữ lượng 9,88 triệu tấn) và mỏ Tiến Bộ (trữ lượng khoảng 24,175 triệu tấn), hai mỏ này được giao cho Công ty Gang thép Thái Nguyên quản lý và tổ chức khai thác. Ngoài ra, việc khai thác và chế biến quặng sắt trên địa bàn nói chung là nhỏ bé, thủ công, lạc hậu. Công tác quản lý còn nhiều bất cập, làm thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Về quặng Titan, toàn tỉnh Thái Nguyên có 17 mỏ và điểm quặng với tổng trữ lượng khoảng 19,83 triệu tấn, chiếm 30% trữ lượng cả nước. Đặc biệt, Thái Nguyên là tỉnh duy nhất trong cả nước có mỏ quặng gốc titan mỏ Cây Châm. Cho đến nay, đây cũng là mỏ Titan duy nhất được thăm dò, cho trữ lượng khoảng 4,830 triệu tấn. Tình hình khai thác khái phép quặng Titan trên địa bàn thời gian qua cũng gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Công nghiệp trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo hai bản quy hoạch, các thành viên UBND tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó thống nhất quan điểm, việc quy hoạch khai thác quặng sắt và quặng Titan trên địa bàn là rất cần thiết, làm cơ sở để xây dựng lộ trình khai thác hợp lý, phục vụ lợi ích trước mắt và lâu dài phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đây là nguồn tài nguyên quý, không tái tạo được, cần phải sử dụng hiệu quả và tiết kiệm cho cả các thế hệ mai sau.

Các thành viên UBND tỉnh cũng yêu cầu trong bản quy hoạch cần làm rõ quy mô đầu tư hợp lý vào lĩnh vực này giai đoạn 2007-2015. Trong đó đề nghị thời gian tới, các dự án đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản phải được xem xét kỹ lưỡng. Chỉ các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và chủ dự án phải chứng minh được hiệu quả kinh tế-xã hội mới được cấp phép đầu tư.

Kết luận vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thông qua quy hoạch, cần đánh giá đúng và nhận thức đúng tiềm năng khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh định hướng quản lý, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên phục vụ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản thời gian qua trên địa bàn. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị lập quy hoạch, các nhà tư vấn cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên UBND tỉnh để tiếp tục hoàn thiện hai bản quy hoạch, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh trong các phiên họp sắp tới.

Buổi chiều, UBND tỉnh tiếp tục làm việc, nghe báo cáo đánh giá 2 năm thực hiện đề án phổ cập giáo dục bậc trung học, báo cáo thực hiện đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2005-2010.