Đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh yêu cầu này khi kết luận nội dung đánh giá 2 năm thực hiện đề án phổ cập giáo dục (PCGD) bậc trung học do Sở Giáo dục-Đào tạo trình tại phiên họp toàn thể UBND tỉnh lần thứ 34 chiều 4-6.
Theo báo cáo đánh giá của Sở Giáo dục-Đào tạo, khó khăn nhất hiện nay là nhận thức về PCGD bậc trung học của các cấp, các ngành còn rất hạn chế. Một số ít đơn vị thấy khó khăn trước mắt, như: đối tượng huy động, tiêu chuẩn PCGD bậc trung học, kinh phí thực hiện... nên chưa thực sự vào cuộc hoặc vào cuộc cầm chừng. Đến nay, sau 2 năm thực hiện đề án PCGD bậc trung học chỉ có T.P Thái Nguyên và T.X Sông Công đã tổ chức các lớp bổ túc THPT, các địa phương khác đều chưa tổ chức được. Trước tình hình này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục-Đào tạo cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên ủy ban, tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo, trong đó cần đưa ra lộ trình cụ thể, nêu rõ kiến nghị và giải pháp bảo đảm hoàn thành kế hoạch, chuẩn bị báo cáo Ban chấp hành Tỉnh ủy trong kỳ họp tháng 7 sắp tới.
Về kết quả hai năm thực hiện đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2005-2010 cũng do Sở Giáo dục-Đào tạo trình phiên họp UBND tỉnh chiều nay, còn nhiều ý kiến đánh giá chưa thống nhất giữa các ngành Giáo dục-Đào tạo, Nội vụ, Tài chính về một số vấn đề liên quan đến chỉ tiêu biên chế, cơ chế tuyển dụng giáo viên, chế độ cho hơn 1.000 giáo viên hợp đồng, chế độ cho giáo viên chuyển sang làm công tác quản lý, công tác xã hội hóa giáo dục... Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 3 đơn vị phối hợp làm rõ từng các vấn đề cụ thể để báo cáo UBND tỉnh trước khi trình Ban chấp hành Tỉnh ủy.