Bàn giải pháp phối hợp, phát triển Đại học Thái Nguyên thành đại học trọng điểm Quốc gia

11:04, 15/07/2007

Hôm nay (16-7), UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị bàn kế hoạch, giải pháp xây dựng Đại học Thái Nguyên trở thành đại học trọng điểm Quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2010.

Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận; Nguyễn Văn Vượng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Thị Cúc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các bộ: Nội vụ, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Kế hoạch-Đầu tư; Uỷ ban Dân tộc Quốc hội; Uỷ ban Dân tộc Miền núi; Ban Tuyên giáo TW, Văn phòng Chính phủ. Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Giáo dục của 16 tỉnh, thành trung du miền núi phía Bắc. Các sở, ban, ngành của tỉnh và Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị đồng chí Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã nhấn mạnh vai trò của ĐH Thái Nguyên trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, cũng như sự đồng tình, ủng hộ, phối hợp của tỉnh để đưa ĐH Thái Nguyên phát triển.

Theo báo cáo về tình hình xây dựng cơ sở vật chất của ĐH Thái Nguyên do GS Từ Quang Hiển, Giám đốc ĐH Thái Nguyên trình bày: Sau hơn 10 năm phát triển, quy mô của ĐH Thái Nguyên hiện nay trên 5 vạn học sinh, sinh viên. Tổng quỹ đất các trường thành viên thuộc ĐH Thái Nguyên khi mới thành lập là 197,392 ha. Ngày 1-8-1997, ĐH Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể. Theo quyết định này, quỹ đất xây dựng ĐH Thái Nguyên theo quy hoạch là 436,5ha. Hiện, ĐH Thái Nguyên đang quản lý và sử dụng 205,91ha.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn I với tổng kinh phí là 74,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 1997-2000, nhưng thực tế phải kéo dài đến hết năm 2005 mới kết thúc dự án, với tổng vốn được cấp trên 68 tỷ đồng.

ĐH Thái Nguyên được Bộ GD-ĐT phê duyêt đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển ĐH Thái Nguyên thành ĐH trọng điểm, trung tâm đào tạo khoa học của vùng đến năm 2020”. Với quy mô năm 2010 sẽ có từ 32 đến 40 nghìn học sinh, sinh viên, đòi hỏi phải tăng cường về cơ sở vật chất mới đáp ứng được yêu cầu của đề án. Theo đó, từ nay đến năm 2010 cần tới trên 730 tỷ đồng đầu tư cho công tác xây dựng.

Tại hội nghị này, ĐH Thái Nguyên đề nghị Chính phủ, cụ thể là các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo để dự án II, giai đoạn 1 sớm hoàn thành theo kế hoạch, tạo sự ổn định và phát triển, để ĐH Thái Nguyên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đã có 11 ý kiến của đại biểu các bộ, ban, ngành, các tỉnh đã đóng góp các ý kiến xoay quanh các chủ trương, chính sách, nguồn lực đầu tư cho ĐH Thái Nguyên cũng như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành từ TW đến địa phương để xây dựng ĐH Thái Nguyên theo tinh thần của Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: Vì nhiều lý do khách quan, chủ quan nên sau 3 năm từ khi Nghị quyết 37 được ban hành đến nay mới tổ chức triển khai được. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT hứa sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan TW, địa phương về báo cáo ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng. Đồng thời, đồng chí Thứ trưởng cũng yêu cầu ĐH Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch. Từ ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị này để hoàn thiện quy hoạch, cụ thể hoá kế hoạch xây dựng theo phân kỳ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa tới đội ngũ cán bộ, ngành nghề đào tạo, cơ chế quản lý, cơ chế điều hành của ĐH, cũng như cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học.

Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hỗ trợ mạnh cho ĐH Thái Nguyên trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, cũng như có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho giáo dục đào tạo, để xây dựng ĐH Thái Nguyên trở thành đại học trọng điểm Quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết 37.