Công ty Cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ:Gắn sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường

12:00, 30/07/2007

Nói đến Công ty cổ phần giấy Hoàng Văn Thụ, những người từng công tác trong ngành sản xuất giấy ở Việt Nam đều đánh giá cao những đóng góp của đơn vị với 3 điểm sáng đầu tiên mà những lớp cha anh đã dày công tạo dựng, đó là: Nhà máy giấy đầu tiên do nhà Nhà nước ta quản lý (20-8-1945); nhà máy đầu tiên sản xuất giấy in tiền năm 1948; nhà máy đầu tiên sản xuất giấy làm vỏ bao xi măng.

Bề dầy truyền thống như vậy, nhưng cũng phải đến năm 2006, đơn vị mới thoát khỏi cảnh thua lỗ kéo dài, sản xuất có bước tăng trưởng, công tác bảo đảm môi trường được chú trọng.

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn, ông Chu Hiến Du, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc cho biết: Sau một thời gian nằm trong tình trạng phá sản do không cân đối được tài chính, đầu năm 2005, Công ty đã thực hiện các biện pháp khắc phục thua lỗ để có vốn dương và tiến hành cổ phần hoá theo chủ trương của Bộ Công nghiệp và Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội cổ đông vào đầu tháng 3-2006, chuyển sang hình thức quản lý mới, Ban lãnh đạo Công ty đã tìm mọi cách phát huy lợi thế của dây chuyền mới với công xuất thiết kế 15.000 tấn/năm. Đồng thời, tổ chức sắp xếp lại lực lượng lao động, bổ sung cán bộ kỹ thuật, công nhân tay nghề bậc cao, phát huy tinh thần làm chủ, tự giác, sáng tạo của công nhân, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh. Nếu như năm 2003, Công ty lỗ 15 tỷ; 2004 lỗ 10 tỷ, thì đến năm 2005 chỉ còn lỗ 1,5 tỷ, đặc biệt năm 2006, sản xuất đã có lãi trên 800 triệu đồng…Riêng 6 tháng đầu năm 2007, Công ty đã sản xuất và tiêu thụ gần 6.000 tấn sản phẩm; doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2006; nộp ngân sách Nhà nước gần 2,5 tỷ đồng; bảo đảm việc làm ổn định cho trên 250 lao động với mức thu nhập bình quân 1,4 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2006.

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự ổn định và tạo đà tăng trưởng, Ban lãnh đạo Công ty còn xác định rõ trách nhiệm, gắn sản xuất kinh doanh với công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm Quyết định 64 của Chính phủ về kiểm soát môi trường. Để làm được điều này, trước hết Công ty đã lựa chọn nhập khẩu các nguồn nguyên liệu đầu vào bằng các vỏ bao bì có nguồn gốc từ Mỹ, Singapo, Nhật Bản…được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ và cấp phép, hạn chế tối đa lượng tạp như: Nilon, băng dính, đinh ghim… đồng thời thực hiện công đoạn xử lý nguyên liệu đầu vào, nhằm loại bỏ tối đa các lượng tạp chất trong giấy và phối hợp với Công ty quản lý đô thị Thái Nguyên thu hồi rác thải để xử lý. Trong sản xuất, công ty đã sử dụng các biện pháp ngăn chặn nguồn thải ngay từ trong dây chuyền sản xuất, tái sử dụng quay vòng nguồn nước trắng thải dưới lưới seo. Như vậy, lượng thải rắn hầu như được tận thu triệt để tại công đoạn này. Các xỉ than thải ra thông qua công đoạn lò hơi cũng được thu hồi triệt để, tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, chất đốt. Theo số liệu kiểm tra đầu năm 2007 của Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh cho thấy: Hiện chỉ còn 2/10 chỉ tiêu còn vượt chuẩn so với tiêu chuẩn Việt Nam đó là COD và BOD, tuy nhiên lượng thải so với năm 2006 đã giảm từ 70-75%…

Để phát triển và tạo bước đột phá trong sản xuất kinh doanh, thời gian tới ngoài việc huy động vốn đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất giấy bao gói công nghiệp công suất 10.000 tấn/năm, Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ còn hợp tác với các tổ chức bảo vệ môi trường trong và ngoài nước, kết hợp phương pháp xử lý cơ học, hoá học và sinh học nhằm giảm thiểu đến mức thấp tác động xấu đến môi trường trong quá trình sản xuất. Trước mắt, công ty đang lập dự án đầu tư 100 ngàn USD xây dựng hệ thống thu hồi bột tuyển nổi theo công nghệ tiên tiến của Tập đoàn Krofta DAF... ấn Độ. Khi công nghệ này đi vào hoạt động, mức độ thu hồi đạt từ 95-98%, chất thải rắn sẽ nhỏ hơn 50 PPm, thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam…