Đi chợ" trên mạng

09:18, 11/07/2007

Với những tiện ích của internet, việc mua sắm hàng hóa giờ đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Môi trường bán hàng trên internet sôi động không kém thị trường thực, có đại siêu thị, shop, chợ và cả “chợ cóc”. Một văn hóa “đi chợ” trên mạng cũng dần hình thành, đặc biệt là trong giới trẻ...

Gần đây, nhiều dịch vụ mua bán trên mạng đã trở nên quen thuộc với giới trẻ trong nước. Những “chợ ảo” hoạt động nhộn nhịp nhất hiện nay gồm: www.timtoi.com; www.webmuaban.com; www.raovatdtdd.com; www.chodientu.com; www.vietnambook.com.vn (chuyên bán đồ dùng văn phòng phẩm, sách báo, tạp chí, quà tặng... ); www.duylinhmobile.com (điện thoại di động chính hãng và hàng xách tay)... Mỗi “chợ ảo” này hiện có đến hàng nghìn thành viên. Nhóm hàng máy tính, linh kiện máy tính; thiết bị điện tử và viễn thông là mô hình bán hàng hiệu quả nhất hiện nay. Một số Cty kinh doanh điện thoại di động cho biết, 20% đến 30% lượng hàng bán ra xuất phát từ việc khách hàng tìm hiểu thông tin trên website. Khách hàng thường xuyên của “chợ” trên internet đa phần là giới trẻ.

Các thủ tục “đi chợ” trên mạng cũng tương đối đơn giản: chỉ cần máy tính kết nối internet, khai báo với nhà cung cấp dịch vụ tên địa chỉ e-mail, mật khẩu... là có thể trở thành thành viên của trang web đó. Tại đây, khách hàng được tự do lựa chọn mặt hàng mình thích và nếu ưng ý thì chỉ cần một cuộc điện thoại hoặc e-mail là có thể thỏa thuận về giá cả. Bạn Ngô Hoài Anh, nhân viên một Cty PR cho biết: Nhiều người không có thời gian hoặc ngại vào các cửa hàng vì sợ bị nói thách trong khi không biết giá cả thật như thế nào. Còn trên mạng tha hồ mà săm soi, quyết định. Nếu đồng ý thì có thể đến tận nơi xem đồ rồi lấy luôn. ở xa thì chỉ cần gửi tiền về tài khoản của người bán rồi nhận hàng qua bưu điện.


Về phía người bán, bán hàng trên mạng cũng có nhiều cái lợi như không mất tiền thuê mặt bằng, nhân công cũng như các khoản thuế, phí nên giá thường rẻ hơn nhiều so với các cửa hiệu. Chính vì các ưu thế đó mà số người bán hàng qua mạng hiện ngày càng nhiều.

Hiện nay, dịch vụ mua bán qua mạng chủ yếu áp dụng hình thức giao hàng tận nhà đối với các khách hàng trong khu vực nội thành. Hình thức khá thuận tiện vì khách hàng có thể kiểm tra hàng trước khi trả tiền. Với khách ở xa, việc xem hàng, trả tiền qua bưu điện cũng có nhiều bất cập, nhất là giữa quảng cáo và thực tế không giống nhau. Nếu không phải là các “chợ” có đăng kí kinh doanh đàng hoàng, địa chỉ cụ thể thì việc trả lại hàng dường như là không thể. Theo một số chuyên gia, hiện số đơn vị đăng kí bán hàng qua mạng lên hàng trăm, trong khi số không đăng kí, nghĩa là không kiểm soát được thì gấp nhiều lần.

Mới đây nhất, eBay - nhà cung cấp hàng hóa qua internet hàng đầu thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam thông qua việc chính thức ra mắt trang web giao diện tiếng Việt www.ebay.vn như một tiện ích nhằm kết nối người dùng với thị trường trực tuyến toàn cầu của eBay (www.ebay.com). Đây là nơi mọi người có thể đăng kí và mua bán hàng trên phạm vi quốc tế. Mục tiêu của eBay trong giai đoạn hiện nay là nâng cao hiểu biết cho người sử dụng internet Việt Nam, những cơ hội mà eBay đem lại bằng cách tiếp tục đầu tư cho các sáng kiến giúp người bán hàng tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Được biết, trong quý I-2007, tổng giá trị hàng hóa giao dịch thành công trên eBay đạt 14,3 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2006. Ước tính mỗi giây, có khoảng 1839 USD giá trị hàng hóa được giao dịch trên mạng eBay. Việc eBay vào Việt Nam có lẽ sẽ tạo bước ngoặt mới cho thị trường thương mại điện tử trong nước vốn còn non nớt như hiện nay.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể hình thức “đi chợ” trên mạng hiện vẫn chưa đạt hiệu quả do một số khó khăn. Đặc biệt, là việc hệ thống thanh toán của các ngân hàng trong nước hiện chưa hỗ trợ tốt cho thanh toán trực tuyến là lý do đáng kể nhất. Bên cạnh việc tiện lợi khi mua hàng là nguy cơ dễ gặp phải những hành vi lừa đảo khi đi qua các “chợ ảo”. Chẳng hạn có một vài e-mail gửi đến người tiêu dùng cho biết admin đang cập nhật lại thông tin trên website và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như e-mail, mật khẩu, thẻ tín dụng... Người tiêu dùng phải cảnh giác không cung cấp những thông tin kiểu này vì những người quản trị website chân chính sẽ không đề nghị như vậy. Khi mua sản phẩm, mọi người cần giữ lại các hóa đơn cần thiết (hóa đơn thanh toán, hóa đơn chuyển tiền, phiếu bảo hành nếu có). Những quy tắc này là rất hữu ích để khách hàng tự bảo vệ mình.