Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khoá XI: Làm rõ nhiều vấn đề "nóng"

15:55, 14/07/2007

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Thái Nguyên khoá XI, đã có 20 câu hỏi của các đại biểu yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh trả lời. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã lược ghi một số câu trả lời tại phiên chất vấn...

Tự ý nâng mức thu lệ phí tham quan từ 10.000đ lên 30.000đ là sai hay đúng?

Đại biểu Đoàn TP Thái Nguyên hỏi: Công ty cổ phần khách sạn du lịch (CTCPKSDL) công đoàn hồ núi Cốc đã tự ý nâng mức thu lệ phí tham quan thắng cảnh qua cổng từ 10.000đ lên 30.000đ (với lý do trong đó có 20.000 bắt buộc du khách xem nhạc nước), trái với Nghị quyết của HĐND tỉnh, dư luận nhân dân và du khách rất bất bình. Đề nghị Sở Tài chính cho biết thu như vậy là sai hay đúng?

Ông Dương Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài chính trả lời: Do có đầu tư xây dựng công trình nhạc nước nên từ ngày 21/3/2007, Công ty CPKSDL công đoàn hồ núi Cốc đã tự ý thay đổi giá vé vào khu du lịch từ 10.000đ/lượt người lên 30.000đ, trong đó xem nhạc nước là 20.000 đồng là trái với quyết định của tỉnh.

Ngày 9-4-2007, Sở Tài chính đã cùng các ngành: Liên đoàn Lao động, Cục Thuế, đại diện HĐND tỉnh, đại diện CTCPKSDL công đoàn hồ Núi Cốc họp, thảo luận và yêu cầu phục hồi mức vé vào cổng theo quy định. Tuy nhiên, do nhạy cảm giữa thu hút đầu tư và quy định pháp luật, Sở Tài chính đã báo cáo Bộ Tài chính về vấn đề này. Tổng cục Thuế đã có công văn số 2565/TCT-CS ngày 5-7-2007 đồng ý cho phép gộp phí 10.000đ tham quan du lịch hồ Núi Cốc và vé xem biểu diển nhạc nước 20.000đ, tổng cộng giá vé là 30.000đ/người/lượt.

Vì sao một số khoản chi theo chương trình mục tiêu quốc gia và một số chương trình mục tiêu khác không đạt kế hoạch? Vì sao giải ngân vốn chương trình mục tiêu 6 tháng đầu năm chậm?

Trả lời chất vấn của Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND tỉnh), ông Dương Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài chính cho biết:

Theo Luật ngân sách Nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2004 thì từ năm 2004 cơ quan tài chính các cấp không cấp phát ngân sách theo quý như trước mà căn cứ dự toán cả năm được giao, đơn vị thụ hưởng lập dự toán chi và rút tại Kho bạc Nhà nước (KBNN). Việc giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc vào tiến độ thực hiện công việc của các đơn vị chủ đầu tư và kiểm soát của KBNN. Hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách năm 2006, KBNN có công văn số 406/KBNN-KT ngày 18-5-2007 đề nghị Sở Tài chính cho phép chuyển nguồn vốn sang năm 2007. Trong đó: Chương trình giáo dục- đào tạo chuyển nguồn 4,33 tỷ đồng; Chương trình văn hoá chuyển 1,504 tỷ đồng; Chương trình phòng chống một số bệnh xã hội chuyển 1,040 tỷ đồng, nên kết quả quyết toán của chương trình mục tiêu quốc gia chỉ được 91% dự toán; Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (661) quyết toán đạt 81% phải chuyển nguồn 2,059 tỷ đồng là khoản KBNN đã tạm ứng nhưng chưa có khối lượng thanh toán; chi nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ đạt 92%, do không đủ điều kiện thanh toán nên nhiều dự án không thanh toán hết kinh phí được giao, phải chuyển nguồn 37,752 tỷ đồng; chi Chương trình 135 chuyển nguồn 11,075 tỷ đồng, do Chính phủ mới bổ sung cho tỉnh 27,510 tỷ đồng và chuyển về trong tháng 12-2006 nên chưa kịp chi và quyết toán hết trong năm 2006; chi sự nghiệp kinh tế đạt 98% dự toán do ngân sách huyện không thực hiện hết dự toán, tổng số giảm chi 1,797 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện giảm 1,732 tỷ đồng, ngân sách cấp xã giảm 57 triệu đồng.

Nguyên nhân là do các dự án, công trình chi từ nguồn kiến thiết kinh tế mới chi tạm ứng cho khối lượng hoàn thành, chưa đủ điều kiện quyết toán phải chuyển nguồn sang năm 2007 theo quy định. Nguyên nhân giải ngân vốn chương trình mục tiêu 6 tháng đầu năm 2007 chậm là do việc triển khai dự toán chi tiết đến đơn vị thụ hưởng của một số chương trình dự án chậm.

Theo báo cáo số 526/KBNN ngày 10-7-2007 của KBNN tỉnh thì: Vốn chương trình mục tiêu giáo dục-đào tạo đến hết tháng 6 chưa thực hiện phần khai chi tiết nguồn vốn cho các dự án, chưa gửi hồ sơ đến KBNN để thanh toán; chương trình văn hoá mới điều chỉnh kế hoạch vốn phần chi theo dự toán, đang điều chỉnh dự toán theo kế hoạch mới; Chương trình xoá đói giảm nghèo chưa gửi hồ sơ thanh toán đến KBNN; Chương trình phòng chống bệnh xã hội: Dự toán bệnh viện tâm thần được giao 3 tỷ đồng nhưng đến nay chưa phê duyệt tổng dự toán... Như vậy việc giải ngân chậm không phải do thiếu nguồn kinh phí mà do không có hồ sơ gửi KBNN tạm ứng, thanh toán theo quy định.

Tại sao quý I-2007 trạm y tế xã không có thuốc phục vụ chữa bệnh cho người có thẻ BHYT?

Trả lời chất vấn trên của đại biểu Đoàn Phú Lương, ông Hà Văn Thức, Giám đốc Sở Y tế cho biết:

Thực hiện các văn bản của TW và địa phương, từ 1-7-2006 Sở Y tế đã bàn giao cho UBND các huyện, thành, thị quản lý các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Sau khi bàn giao, Sở Y tế đã thống nhất với BHXH tỉnh để Trung tâm y tế các huyện tiếp tục quản lý và cung ứng thuốc chữa bệnh cho các trạm y tế xã (từ 1-7 đến 31-12-2006). Sở Y tế cũng đã đề nghị với BHXH là từ ngày 1/1/2007 BHXH tỉnh sẽ ký hợp đồng KCB BHYT tuyến xã với phòng y tế các huyện. Thời gian này, UBND và phòng y tế một số huyện cũng đề nghị cho phòng y tế huyện ký hợp đồng với BHYT về KCB BHYT tuyến xã.
UBND tỉnh có văn bản đồng ý cho BHXH ký hợp đồng KCB BHYT tuyến xã với các phòng y tế cấp huyện.

Sau nhiều lần làm việc với các bộ liên quan, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời thống nhất với BHXH Việt Nam đồng ý cho 5 tỉnh, trong đó có tỉnh Thái Nguyên được thí điểm BHXH ký hợp đồng KCB BHYT tuyến xã với phòng y tế cấp huyện. Trong thời gian chờ đợi, Sở Y tế và BHXH tỉnh thống nhất 2 hình thức: 3 huyện, thành là TP Thái Nguyên, Phú Bình, Phú Lương do các phòng y tế quản lý và cung ứng thuốc cho y tế xã. 6 huyện, thị còn lại thì vẫn do TTYT các huyện cung ứng thuốc. Song một số trạm y tế xã lại không lấy thuốc từ TTYT huyện vì cho là TTYT huyện không còn quản lý TTYT xã nữa (Đại Từ, Phổ Yên...) nên trong quý I-2007 một số xã thiếu thuốc phục vụ cho người có thẻ KCBBHYT.

Giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án năng lượng nông thôn II?

Ông Bùi Quang Huân, Giám đốc Sở Công nghiệp trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Phú Bình: Mục tiêu của dự án là phục hồi, nâng cấp và mở rộng hệ thống điện nông thôn cho 30 xã thuộc 6 huyện: Đại Từ, Định Hoá, Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình và Phổ Yên, nhằm tăng cường chất lượng điện, giảm tổn thất, hạ giá thành điện nông thôn. Đến thời điểm này đã thực hiện được 90% khối lượng công việc của giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Ngày 22-11-2006, UBND tỉnh đã ký biên bản thoả thuận vay vốn và hoàn trả vốn vay với Bộ Tài chính. Ngày 2-3-2007, Ngân hàng Thế giới đã thông qua kế hoạch đấu thầu dự án. Ngày 25-4-2007, UBND tỉnh đã phê duyệt dự toán công trình năng lượng nông thôn II. Đồng thời tổ chức bàn giao tuyến được 8 xã thuộc huyện Phổ Yên, Phú Bình và Đồng Hỷ phục vụ cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB).

Đến ngày 6-6-2007, UBND tỉnh đã cho phép ban quản lý dự án lập kế hoạch đấu thầu xây lắp công trình theo khối lượng và dự toán đã phê duyệt. Hiện nay, mới có 2 huyện Đại Từ và Phú Lương có quyết định thành lập hội đồng BTGPMB. Đề nghị các huyện còn lại sớm thực hiện. Dự án năng lượng nông thôn II của tỉnh ta thực hiện chậm. Đầu quý III năm nay, WB sẽ xem xét tình hình cụ thể của từng tỉnh để điều chỉnh vốn vay giữa các địa phương. Nếu Thái Nguyên thực hiện chậm sẽ có khả năng bị từ chối cung cấp tín dụng cho dự án để dồn vốn cho tỉnh khác. Để thực hiện dự án đúng tiến độ đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch-Đầu tư sớm thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu và năm 2008 tiếp tục ghi vốn đối ứng cho dự án.

Đề nghị làm rõ thông tin rừng phòng hộ Ngàn Me (xã Tân Lợi, Đồng Hỷ) đã chuyển toàn bộ thành rừng sản xuất và đang có dấu hiệu bị phá hoại?
Chất vấn của đại biểu Đoàn TP Thái Nguyên ông Nông Văn Trân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm trả lời: Theo quyết định số 4940/ QĐ-UB ngày 21-12-2001 và Quyết định số 1717/QĐ-UB ngày 21-7-2004 của UBND tỉnh, cũng như kết quả rà soát 3 loại rừng đợt này HĐND tỉnh thông qua thì toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc xã Tân Lợi (khu vực rừng Ngàn Me) là rừng sản xuất, không có rừng phòng hộ. Quy hoạch rừng phòng hộ chỉ ưu tiên các khu rừng phòng hộ cho công trình thuỷ điện, hồ đập thuỷ lợi lớn, phòng hộ ven biển, phòng hộ biên giới.

Theo thông tin của Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh tình trạng phá rừng trái phép xảy ra tại khu vực Ngàn Me, UBND tỉnh đã giao Chi cục Kiểm lâm vào kiểm tra. Qua kiểm tra, đo đếm: Gỗ cũ có 12 gốc và 20 khúc rỗng ruột bỏ lại đang bị mục do khai thác đã lâu. Ngày 7-2-2007, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt Cao Văn Quân, xã Xuân Lương, Yên Thế (Bắc Giang) khai thác 3 cây gỗ, khối lượng 1,88m3, đã xử phạt 1.128 nghìn đồng, gỗ còn để lại hiện trường chưa đưa ra được. Những cây mới chặt trước khi VTV1 đưa tin (ngày 10-4-2007), sau 2 ngày chặt gồm 7 cây, khối lượng 3,25m3 gỗ tròn.

Đã xác định hiện trạng phát đốt là có thật, gồm 2 lô (lô 8 và lô 4 tiểu khu 414), lô 8 diện tích phát đốt là 0,4ha, lô 4 là 1,38 ha, tổng cộng 1,78ha. Địa danh hành chính thuộc xã Hợp Tiến, chủ rừng là Công ty ván dăm Thái Nguyên. Công ty ván dăm Thái Nguyên chưa có thiết kế cải tạo rừng đã phát rừng là thiếu sót. Việc phá rừng trái phép ở Tân Lợi chưa xảy ra. Tuy nhiên, hiện tượng đào bới đất rừng để khai thác sa khoáng và khai thác gỗ lén lút đã và đang xảy ra. Công ty ván dăm Thái Nguyên và UBND xã Tân Lợi chưa có sự phối hợp tốt để chặn đứng tình trạng này.


Dự án xây dựng và mở rộng ĐH Thái Nguyên đang là một trong những dự án “treo”, đề nghị UBND tỉnh cho biết những giải pháp chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục những tồn tại này như thế nào?

Chất vấn của đại biểu Đoàn TP Thái Nguyên ông Đặng Viết Thuần, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư trả lời: Dự án xây dựng và mở rộng ĐH Thái Nguyên là dự án lớn, đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định tại quyết định số 600/QĐ-TTg ngày 1-8-1997. Các hạng mục chính của dự án là: Trung tâm điều hành, ĐH Đại cương; ĐH Nông lâm; ĐH Sư phạm. Sau 10 năm từ khi có quyết định trên, dự án đã thực hiện được nhiều việc, trong đó có giải phóng mặt bằng để xây dựng trung tâm điều hành và một số công trình cơ sở hạ tầng khác như đường, sân bãi... của các trường thành viên. Lập được phương án đền bù, quy hoạch, xây dựng cụ thể và đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, có thể nói dự án trên không phải dự án “treo”, mà là một dự án triển khai quá chậm và có một số hạng mục của dự án có biểu hiện “treo”.

Nguyên nhân dự án triển khai chậm là do kinh phí Nhà nước không có đủ và không cấp kịp thời (năm 2000 cần 4,6 tỷ đồng, nhưng chỉ cấp 300 triệu đồng). Chính sách đất đai và các chính sách liên quan khác có nhiều thay đổi. Đơn giá đền bù và các quy định về đền bù có nhiều biến động. Theo Luật Đất đai năm 1993 giá 4,6 tỷ đồng, nay lên 16.565 triệu đồng. Vì vậy, dự án này có ảnh hưởng lớn đến đời sống của 300 hộ dân là đúng.

Về đất, ĐH Thái Nguyên được Chính phủ phê duyệt 436,5ha, trong đó ĐH Thái Nguyên đang quản lý 212,5ha, dân đang quản lý 224ha. Phương án dự kiến giải phóng cục bộ để xây dựng Trường ĐH Kinh tế & Quản trị Kinh doanh, ĐH Khoa học Tự nhiên & Xã hội nhân văn. Đến năm 2010, sẽ giải phóng được 434.382m2, với kinh phí là 119 tỷ đồng, liên quan đến 146 hộ dân. Đến năm 2015, giải phóng 228.259,9m2, kinh phí 124,9 tỷ đồng, liên quan đến 151 hộ dân. Từ năm 2016-2020 giải phóng tiếp 215.776m2, kinh phí khoảng 147,6 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã có 10 văn bản chỉ đạo liên quan đến thu hồi và bổ sung đền bù giải phóng mặt bằng, cũng như giải quyết khiếu nại của nhân dân liên quan đến dự án. Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Thái Nguyên và các trường thành viên. Qua buổi làm việc trên, đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh phối hợp với ĐH Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, tiến độ trên còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho ĐH Thái Nguyên hằng năm.

Nguyên nhân việc chậm chi trả tiền bồi thường GPMB công trình cấp điện xã Tân Linh và Phúc Lương (Đại Từ)

Chất vấn của đại biểu Đoàn Đại Từ ông Đinh Hoàng Dương, Phó Giám đốc Điện lực Thái Nguyên trả lời: Dự án năng lượng nông thôn 1 (RE1) được đầu tư cung cấp điện cho các xã chưa có điện. Ngành điện đầu tư xây dựng đường dây trung áp, trạm biến áp, đường dây hạ thế và công tơ bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). UBND các tỉnh có dự án chịu kinh phí thực hiện bồi thường GPMB từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Các hộ dân đầu tư phần dây sau công tơ về nhà mình.

Dự án RE1 triển khai trên 20 xã thuộc địa bàn tỉnh với tổng giá trị đầu tư 80,4 tỷ đồng. UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất với Công ty điện lực 1 về thực hiện công tác bồi thường GPMB. Đồng thời, quyết định thành lập Hội đồng BTGPMB ở tất cả các huyện có dự án. Việc đầu tư cung cấp điện cho 20 xã được chia làm 2 đợt cụ thể. Đợt 1 gồm 16 xã, đã thi công xong và đóng điện, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2002, 2003. Đợt 2, gồm 4 xã là Tân Linh, Phúc Lương (Đại Từ); Tân Thịnh (Định Hoá) và Bàn Đạt (Phú Bình). Cả 4 xã trên đã thi công xong và đóng điện đưa vào khai thác sử dụng từ đầu năm 2004 nhưng chưa chi trả tiền cho dân.

Nguyên nhân từ năm 2004-2006 Hội đồng bồi thường GPMB cấp huyện chưa kịp lập xong dự toán bồi thường GPMB. Điện lực Thái Nguyên đã có Công văn số 3023/ĐLI/ĐTN-QLXD ngày 23-7-2004 và nhiều văn bản khác đề nghị trước mắt cấp vốn theo giá trị phê duyệt thiết kế dự toán (phần đền bù GPMB) là 270.610 nghìn đồng, nhưng UBND tỉnh chưa bố trí vốn. Hiện nay, cả 4 xã trên đã được UBND tỉnh phê duyệt dự toán bồi thường bồi thường GPMB với tổng số tiền trên 1.576 triệu đồng. Điện lực Thái Nguyên sẽ hoàn tất thủ tục đăng ký vốn theo giá trị phê duyệt dự toán bồi thường GPMB trước ngày 20-7-2007. Đề nghị Sở Kế hoạch-Đầu tư, UBND tỉnh sớm bố trí vốn để Điện lực Thái Nguyên và Hội đồng bồi thường GPMB các huyện có dự án tổ chức chi trả tiền BTGPMB cho nhân dân 4 xã trên trong năm 2007.