Thái Nguyên: Các dịch vụ “ăn theo” mùa tuyển sinh lên ngôi

15:56, 03/07/2007

Dự tính, trong cả hai đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, số thí sinh ngoại tỉnh và người nhà đến T.P Thái Nguyên sẽ đạt gần 6 vạn người. Đây là điều kiện tốt để các dịch vụ “ăn theo” mùa thi phát triển rầm rộ.

Nhà nhà đua nhau làm nhà trọ

Có mặt tại Bến xe khách Thái Nguyên trong ngày 2-7, trước thời gian làm thủ tục dự thi một ngày, chúng tôi gặp khá nhiều người dân của T.P Thái Nguyên đến đây tìm khách thuê nhà trọ. Chị Đào Thị Hà, số nhà 53, phường Quang Trung T.P Thái Nguyên cũng tranh thủ ra bến xe tìm khách tâm sự: “Nhà mình có phòng rộng để không cũng lãng phí, tranh thủ những ngày thi ĐH, CĐ cho thuê kiếm thêm đồng rau cà mắm muối. Phòng có thể ở từ 3-4 người, mỗi người tôi thu 25 nghìn đồng/ngày”.

Được biết, các trường được chọn làm địa điểm thi cũng tranh thủ dịp này cho thí sinh và người nhà thuê phòng trọ. Về giá thường thấp hơn các hộ dân, trong bình từ 10-20 nghìn đồng/người/ngày như: Đại học Y khoa thu 10 nghìn đồng/người/ngày; Trường ĐH Sư phạm thu 15 nghìn đồng/người/ngày; Trường tiểu học Trưng Vương thu 20 nghìn đồng/người/ngày.

Theo bác Nguyễn Văn Hoa, ở Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh phụ huynh của thí sinh Nguyễn Văn Công thuê trọ tại điểm thi Trường tiểu học Trưng Vương: Giá thuê trọ là rất hợp lý. Chỗ ở rộng rãi, điện, nước đầy đủ, an ninh trật tự đảm bảo. Đặc biệt, ở tại trường thuận lợi trong việc đi lại những ngày thi cử.

Còn theo bà Trần Thị Bích Nết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương: Số tiền thu của phụ huynh, thí sinh chỉ đủ tiền bù vào trả tiền điện, nước và bồi dưỡng cho những người phục vụ.

Xe ôm “không chuyên”

Ngoài nghiệp đoàn xe ôm thuộc Khu vực bến xe khách Thái Nguyên, trong đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, có rất nhiều xe ôm “bán chuyên nghiệp” tham gia. Tại khu vực Bến xe khách Thái Nguyên, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Long (Đồng Hỷ) chạy xe ôm. Tìm hiểu ra mới biết anh làm nghề tự do, mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay thấy lượng thí sinh và người nhà đến Thái Nguyên đông, anh quyết định chạy xe ôm.
Anh Long tâm sự: Tôi biết một số lái xe ôm biết thí sinh và người nhà ở tỉnh khác đến không thạo đường Thái Nguyên nên chạy lòng vòng hoặc tranh thủ lấy giá cao ép khách. Tôi nghĩ, mình không giàu nghèo gì mấy đồng bạc, không nên bắt chẹt khách trong lúc họ đang lo lắng cho kỳ thi.

Trong lúc chúng tôi đang chụp ảnh tại khu vực ngã tư Đồng Quang, bắt gặp rất nhiều việc làm của lực lượng tham gia tiếp sức mùa thi. Đó là một số phụ huynh, thí sinh không biết địa điểm thi, lực lượng này dùng xe máy của mình dẫn đường, hoặc chở thí sinh đến điểm thi không lấy tiền. Những việc làm đó, để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng mỗi người khi đến với Thái Nguyên.

Dịch vụ ăn uống phát triển

Đi dọc các điểm thi, bắt gặp khá nhiều quán nước, quán ăn mọc lên. Vào quán ăn nhỏ của bác Nguyễn Thị Kim tại cổng phụ của Trường ĐH Sư phạm chúng tôi được biết thường ngày bác vẫn bán cơm cho sinh viên. Dịp này, sinh viên nghỉ hè, có đợt thi ĐH, CĐ, bác lại mở hàng phục vụ thí sinh. Theo bác Kim, giá của các loại thực phẩm trong dịp này đều đắt hơn từ 1-3 giá, nên suất cơm cũng tăng theo từ 1-2 nghìn đồng, trung bình là 5 nghìn đồng/suất.

Theo thí sinh Nguyễn Thị Linh, thi ở điểm Trường ĐH Sư phạm tiền trọ, tiền ăn trung bình một ngày 30 nghìn đồng, như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, vào những ngày nóng bức như hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm cần được ngành Y tế quan tâm hơn. Bởi theo quan sát của chúng tôi, tại những điểm ăn uống nhỏ như thế này vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Số lượng người tăng đột biến ở T.P Thái Nguyên diễn ra trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 khoảng gần 10 ngày. Với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức các kỳ thi, cùng với lòng mến khách, nhất là năm tỉnh tổ chức Năm du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007, hy vọng người dân Thái Nguyên sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất và con người chiến khu Việt Bắc năm xưa.